Tiêu điểm - Sự kiện :: 30/03/2025

Tuyển sinh đại học 2025: Xây dựng tổ hợp xét tuyển cần phù hợp yêu cầu của ngành học

Bắt đầu từ mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025, thay vì bắt buộc các trường chỉ được tối đa 4 tổ hợp xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông cho mỗi ngành học như trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường không giới hạn các tổ hợp xét tuyển.

Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, nhằm tăng cơ hội và đảm bảo công bằng với các thí sinh ở các vùng miền khác nhau.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực tại điểm thi Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh (Hutech) năm 2024. Ảnh tư liệu: Thu Hoài/TTXVN

Xuất hiện nhiều tổ hợp tuyển sinh mới

Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong 9 môn, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Với số môn như trên sẽ tạo ra 36 tổ hợp có thể dùng để tuyển sinh đại học. Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo đã và đang điều chỉnh tổ hợp xét tuyển để phù hợp và thích ứng với số môn thi trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025. Nhiều môn học lần đầu được đưa vào tổ hợp môn xét tuyển như: Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Theo đại diện các cơ sở giáo dục đại học, quy định trên thuận lợi cho thí sinh khi được gia tăng cơ hội trúng tuyển, đồng thời giúp các trường phát huy quyền tự chủ trong xây dựng tổ hợp xét tuyển.

Năm nay, ngoài các tổ hợp truyền thống đã tuyển sinh các năm trước như A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh), D01 (Toán, Văn, Anh), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), Đại học Bách khoa Hà Nội thông báo bổ sung tổ hợp xét tuyển K01 (Toán, Văn, kết hợp với một trong 4 môn là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học) và tổ hợp D04 (Toán, Văn, tiếng Trung).

Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2025 bổ sung 2 tổ hợp là Toán, Tiếng Anh, Tin học và Toán, Vật lý, Tin học.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến xét tuyển 5 tổ hợp mới có môn Công nghệ, Tin học, Giáo dục kinh tế và pháp luật gồm: A0C (Toán, Vật lý, Công nghệ), A0T (Toán, Vật lý, Tin học), B0C (Toán, Hóa học, Công nghệ), D0C (Toán, Tiếng Anh, Công nghệ), D0G (Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật). Những tổ hợp này sẽ được sử dụng xét tuyển vào các ngành như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Khoa học máy tính, Công nghệ kỹ thuật máy tính và An toàn thông tin...

Trường Đại học Giao thông Vận tải cũng bổ sung tổ hợp mới là GT1 (Toán, Vật lý, Tin học) với một số ngành như Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật robot, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa...

Tuy nhiên, vấn đề còn nhiều băn khoăn trong dư luận, gây lo ngại về chất lượng đó là việc các trường xây dựng tổ hợp xét tuyển "lạ”, không phù hợp với ngành đào tạo có xu hướng xuất hiện nhiều hơn trong mùa tuyển sinh năm nay.

Cụ thể như, có trường tuyển sinh ngành Sư phạm Vật lý với 4 tổ hợp nhưng chỉ có duy nhất 1 tổ hợp có môn Vật lý là Văn, Toán, Vật lý; 3 tổ hợp còn lại đều không có môn này, gồm các tổ hợp: Toán, Văn, Tiếng Anh; Văn, Toán, Hóa; Văn, Toán, Địa. Hay như ngành Sư phạm Lịch sử, xét tuyển ba tổ hợp không có môn Lịch sử, gồm: Toán, Văn, Tiếng Anh; Văn, Toán, Địa; Văn, Toán, Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Bên cạnh đó, một số cơ sở đào tạo tuyển sinh khối ngành Nông – Lâm – Ngư; khối ngành Y Dược nhưng nhiều tổ hợp xét tuyển không có môn Sinh học. Theo nhiều chuyên gia, ở góc độ đào tạo, việc sử dụng các môn không liên quan để tuyển sinh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào và sự phù hợp của sinh viên với ngành học.

Cần đảm bảo chất lượng, phù hợp

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Tuy không giới hạn số lượng tổ hợp xét tuyển nhưng để bảo đảm chất lượng và nền tảng kiến thức cần thiết ở bậc đại học, Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số tính điểm xét không dưới 25%. Từ năm 2026, số môn chung của các tổ hợp phải đóng góp ít nhất 50% trọng số tính điểm xét.

Chia sẻ về việc xây dựng tổ hợp xét tuyển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn thông tin: Các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải tuyển sinh theo tổ hợp phù hợp với ngành đào tạo và yêu cầu đặt ra. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra yêu cầu cụ thể cho từng trường, ngành đào tạo. Với mỗi ngành học, các trường sẽ lựa chọn phương thức tuyển sinh cũng như các tổ hợp môn thi xét tuyển phù hợp với yêu cầu ngành đó, làm sao để bảo đảm thí sinh có năng lực có thể lựa chọn học và thành công với chương trình này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ có những quy định cụ thể. Chẳng hạn, với mỗi ngành học, giữa các tổ hợp xét tuyển sẽ có những phần chung. Phần chung đó là yêu cầu bắt buộc thí sinh phải có để theo học chương trình, còn việc quyết định lựa chọn môn nào là quyền của các trường để đảm bảo quyền tự chủ.

Về phía các cơ sở đào tạo, lý giải về việc mở rộng các tổ hợp xét tuyển, đại diện nhiều trường cho rằng, học sinh được lựa chọn môn thi nên việc hình thành các tổ hợp mới nhằm mở rộng nguồn tuyển và tạo thêm cơ hội đa dạng cho thí sinh.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, không thể phủ nhận mở rộng tổ hợp xét tuyển giúp các trường đại học thu hút thêm thí sinh, đặc biệt là thí sinh có thế mạnh ở các môn khác nhau. Đối với thí sinh, các em có nhiều lựa chọn tổ hợp, không bị bó hẹp trong nhóm môn cố định.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, cũng cần phải lưu ý khi mở rộng tổ hợp. Các tổ hợp phải phản ánh đúng năng lực yêu cầu của ngành học, đặc biệt đối với các ngành cần kiến thức nền tảng vững như y dược, kiến trúc, kỹ thuật... Nếu mở rộng quá nhiều tổ hợp mà không có tiêu chí rõ ràng có thể dẫn đến chất lượng đầu vào không đồng đều.

Theo TTXVN

Báo Hoà Bình
Văn phòng

Triển khai nhiệm vụ ngành Giáo dục và đào tạo quý II/2025

Ngày 27/3, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến ngành GD&ĐT quý I, triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II/2025.

Luật Nhà giáo sẽ tạo không khí mới cho nhà giáo và ngành giáo dục

Chiều 27/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật Nhà giáo.

Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ trung học phổ thông”

Ngày 28/3, tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo "Hành trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ THPT”.

Tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm

Ngay sau khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm được ban hành, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hoà Bình đã chỉ đạo các đơn vị, trường học quán triệt, tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh. Công tác quản lý việc dạy thêm, học thêm và nâng cao chất lượng giáo dục nhìn chung đã, đang được tăng cường theo hướng tích cực.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra ngày 26 và 27-6

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 sẽ diễn ra ngày 26, 27/6/2025.

Bảo vệ trẻ trước tình trạng quà vặt "bủa vây" ngoài cổng trường

Tình trạng đồ ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém vệ sinh được bày bán tràn lan bên ngoài các cổng trường luôn là vấn đề nhức nhối, khó giải quyết triệt để. Chính vì vậy, nhà trường và phụ huynh học sinh nên phối hợp chặt chẽ để chủ động bảo vệ con em mình trước nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngành Giáo dục “phủ xanh” thông tin tích cực trên không gian mạng

Trong bối cảnh thời đại số, công nghệ thông tin và mạng xã hội (MXH) bùng nổ mạnh mẽ đã tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống xã hội. Người dùng dễ dàng kết nối, chia sẻ, tiếp cận thông tin, bao gồm cả những thông tin chính thống, tích cực và thông tin xấu, độc, sai trái, bịa đặt. Mô hình "Chủ động lan toả thông tin tích cực, đẩy lùi thông tin xấu, độc” trên không gian mạng được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh triển khai bước đầu mang lại nhiều kết quả nổi bật.

Những nhà giáo ưu tú tận tụy gieo chữ “trồng người”

Trong không khí hân hoan mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ của quê hương, đất nước, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hòa Bình phấn khởi với những thành tích và kết quả đạt được trong năm vừa qua. Đóng góp vào thành tích chung của ngành không thể không kể đến những tấm gương nhà giáo tâm huyết với nghề, giàu sáng tạo; những nhà giáo ưu tú (NGƯT) hàng ngày đóng góp cho sự nghiệp GD&ĐT, lan tỏa sự nhiệt tình, trách nhiệm trong sự nghiệp "trồng người".

Tuyên dương 2 học sinh nhặt được của rơi trả lại người đánh mất

Hai em Bùi Ngọc Toản và Bùi Nhật Thái, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Bắc Sơn, huyện Kim Bôi đã nhặt được chiếc ví bên trong có giấy tờ cùng gần 3 triệu đồng và trả lại cho người đánh rơi. Hành động đẹp của 2 em góp phần lan tỏa những việc làm tốt trong xã hội.

Những quy định về miễn thi trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2025

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quy chế thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025. Trong đó, các chính sách về miễn thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông tiếp tục được áp dụng cùng với một số điểm mới liên quan đến việc miễn thi môn Ngoại ngữ và Ngữ Văn.