Tin từ các đơn vị :: 03/01/2016

Luồng gió năng động và sáng tạo từ Trường học mới

Bên lề Hội thảo “Chương trình truyền hình giáo dục góp phần triển khai Nghị quyết số 29 TW về đổi mới giáo dục và đào tạo” do Văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức tại Hà Nội hôm 29/12/2015, phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc phỏng vấn Nhà giáo Đặng Quang Ngàn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

            Nhà giáo Đặng Quang Ngàn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình trả lời phỏng vấn

          Mô hình Trường học mới đã thực sự thổi luồng gió mới, tự tin, năng động và đầy sáng tạo. Đó là khẳng định của ông Đặng Quang Ngàn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình khi chia sẻ về hiệu quả của mô hình này sau một thời gian triển khai ở Hòa Bình tại cuộc phỏng vấn.
          Ông Đặng Quang Ngàn cho biết: Mô hình Trường học mới bước đầu phát huy hiệu quả tích cực tại các trường THCS của Hòa Bình, mang lại không khí vui tươi, thuận lợi cho quá trình tổ chức các hoạt động học tập, tăng cường được mối liên hệ giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, nhà trường với phụ huynh, học sinh và cộng đồng.
           Giáo viên bước đầu đã biết tổ chức hoạt động học cho học sinh theo phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực thông qua các hoạt động học trong mỗi bài học của mô hình Trường học mới; giờ học đã cởi mở hơn, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh gần gũi, thân thiện hơn.
            Về phía học sinh, các em đã bước đầu bắt nhịp được với hình thức học tập mới; tích cực và tự giác hơn trong học tập; bước đầu biết trao đổi thảo luận cặp đôi, thảo luận nhóm; có tiến bộ trong giao tiếp, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong học tập.
            - Theo ông, sau một thời gian triển khai, có vấn đề nào cần phải quan tâm, điều chỉnh hay không để mô hình này đạt hiệu quả cao hơn?
            Sau một thời gian triển khai mô hình Trường học mới, tôi cho rằng, có một số vấn đề cần quan tâm, điều chỉnh. Trước hết là cần nhận thức đúng về chương trình giáo dục trong mô hình Trường học mới; nhận thức đúng bản chất của từng hoạt động trong tiến trình bài học cũng như vai trò của giáo viên trong tổ chức hoạt động học theo nhóm; đặc biệt là nhận thức đúng về đánh giá học sinh; vai trò của Hội đồng tự quản học sinh; trang trí lớp học; ý nghĩa của Sổ tay lên lớp (ghi chép cá nhân)...
            Chương trình Trường học mới được thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Nội dung các bài học theo mô hình Trường học mới được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo mục tiêu về kiến thức, kĩ năng, thái độ của Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đồng thời phù hợp với việc thực hiện các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực nhằm phát triển năng lực học sinh.
            Tổ chức dạy học theo mô hình Trường học mới phải đảm bảo vừa đạt được yêu cầu về kiến thức, kĩ năng, thái độ của chương trình hiện hành, vừa góp phần phát triển được năng lực và phẩm chất của học sinh.
             - Ông có nói đến việc cần nhận thức đúng bản chất của từng hoạt động trong tiến trình bài học khi thực hiện mô hình Trường học mới. Vậy, cụ thể cần nhận thức đúng như thế nào?
            Tiến trình bài học trong mô hình Trường học mới được thiết kế thành các hoạt động học theo tiến trình sư phạm của các phương pháp dạy học tích cực như: Dạy học giải quyết vấn đề, dạy học tìm tòi, nghiên cứu, phương pháp Bàn tay nặn bột và các phương pháp dạy học đặc thù bộ môn... Tuy có những điểm khác nhau, nhưng tiến trình sư phạm của các phương pháp dạy học tích cực đều tuân theo con đường nhận thức chung.
           Vì vậy, mỗi bài học trong mô hình Trường học mới đều được thiết kế theo 5 hoạt động: Khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng, tìm tòi mở rộng.
           Giáo viên cần hiểu đúng bản chất của từng hoạt động trong mỗi bài học để vận dụng linh hoạt, phù hợp với phương pháp dạy học tích cực theo đặc thù môn học.
           Khi cần, giáo viên có thể thực hiện việc chốt kiến thức, kĩ năng để học sinh chính thức ghi nhận và vận dụng trong các hoạt động hình thành kiến thức hoặc/và luyện tập
            - Khi dạy học theo mô hình Trường học mới, giáo viên thường phải tổ chức dạy học theo nhóm. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu non yếu về nghiệp vụ, thiếu kĩ năng quản lý lớp học, giáo viên sẽ rất dễ khiến lớp học bị "vỡ trận". Theo ông, cần phải làm gì để người giáo viên không gặp phải tình trạng này khi đứng lớp?
            Giáo viên cần nhận thức đúng vai trò của mình trong tổ chức hoạt động theo nhóm mà trước hết là xác định và giao nhiệm vụ học tập cho các nhóm một cách cụ thể và rõ ràng.
           Mỗi nhiệm vụ học tập phải đảm bảo cho học sinh hiểu rõ mục đích, nội dung, cách thức hoạt động (theo kĩ thuật dạy học tích cực được sử dụng) và sản phẩm học tập phải hoàn thành (Lưu ý tăng cường các câu hỏi: Như thế nào? Tại sao?..)
            Giáo viên cần quan sát, phát hiện những khó khăn mà học sinh gặp phải; hỗ trợ kịp thời cho từng học sinh và cả nhóm. Khi giúp đỡ học sinh, cần gợi mở để học sinh tự lực hoàn thành nhiệm vụ; khuyến khích để học sinh hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc giải quyết nhiệm vụ học tập; giao thêm nhiệm vụ cho những học sinh hoàn thành trước nhiệm vụ (yêu cầu nâng cao hoặc giúp đỡ các bạn khác...)
             Giáo viên cũng cần hướng dẫn việc tự ghi bài của học sinh: Kết quả hoạt động cá nhân, kết quả thảo luận nhóm, nhận xét của giáo viên và nội dung bài học vào vở; không đọc - chép hay yêu cầu học sinh chép lại toàn bộ nội dung bài học trong tài liệu hướng dẫn học.
Giáo viên cần sử dụng hợp lý phòng học bộ môn, thiết bị dạy học, học liệu và các công cụ hỗ trợ trong lớp học, nhất là việc sử dụng bảng trong việc hỗ trợ tiến trình tổ chức hoạt động học của học sinh như: Ghi những nội dung cơ bản, cốt lõi của bài học; những gợi ý, hướng dẫn của giáo viên; những kết quả hoạt động học của học sinh.


                          Mô hình trường học mới tại Hòa Bình (Ảnh minh họa)

             - Nội dung "Lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh..." trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học của Bộ GD&ĐT trong một thời gian nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, Hội đồng tự quản lại là cụm từ quen thuộc với các trường theo mô hình Trường học mới. Theo ông, cần nhận thức về vai trò của Hội đồng tự quản học sinh như thế nào?
              Hội đồng tự quản học sinh là một tổ chức của học sinh, do học sinh bầu ra ở từng lớp, dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh để tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi của chính học sinh, đồng thời quản lý, giám sát, điều chỉnh các hoạt động đó.
             Các hoạt động của Hội đồng tự quản giúp học sinh tham gia một cách dân chủ tích cực vào quá trình học tập và giáo dục học sinh.
             Hội đồng tự quản không làm thay công việc của giáo viên trong các giờ học mà chỉ tổ chức các hoạt động bổ trợ ngoài giở lên lớp như: Chia sẻ, tìm hiểu các sản phẩm học tập trong "hoạt động vận dụng" và "hoạt động tìm tòi mở rộng" của học sinh trong lớp theo yêu cầu của giáo viên; các hoạt động sinh hoạt tập thể trong và ngoài giờ lên lớp ở lớp và ở trường.
            Đồng thời, hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm quản lý lớp học thông qua việc theo dõi, quản lý, sử dụng các công cụ hỗ trợ đang có trong lớp; truyền đạt với giáo viên ý kiến phản ánh của học sinh trong lớp...
             - Trên thực tế, các lớp học Trường học mới đều được trang trí rất sinh động. Kinh phí trang trí lớp học là từ nguồn của nhà trường hay thực hiện xã hội hóa, thưa ông?
              Việc trang trí lớp học là nhằm tăng cường các công cụ hỗ trợ hoạt động học của học sinh trong và ngoài giờ lên lớp.
            Vì vậy, mỗi công cụ được sử dụng đều phải đảm bảo tính hiệu quả và được sử dụng thường xuyên, tránh hình thức, lãng phí.
             Việc làm công cụ trang trí cần phải được giao và hướng dẫn cho học sinh tự thực hiện, tuyệt đối không làm thay hoặc thu tiền để mua hoặc thuê người khác làm.
             Ví dụ, Bản đồ cộng đồng phải do học sinh cùng nhau thiết kế, tự vẽ để học sinh trong lớp biết được vị trí của nhà mình so với trường và nhà các bạn trong lớp;
             Góc học tập là nơi để học sinh chia sẻ các sản phẩm học tập của mình, nhất là sản phẩm của hoạt động vận dụng và hoạt động tìm tòi mở rộng, tùy vào điều kiện không gian lớp học để hướng dẫn học sinh tự làm và bố trí cho phù hợp;
             Góc thư viện là nơi để học sinh hoặc cha mẹ học sinh tự nguyện góp những cuốn sách phù hợp với chương trình học tập của học sinh...
             - Mô hình Trường học mới không yêu cầu giáo viên soạn giáo án, nhưng các thầy cô lại sử dụng Sổ ghi chép cá nhân. Các cấp quản lý có kiểm tra nội dung ghi chép trong sổ này hay không?
            Đúng là mô hình Trường học mới không yêu cầu giáo viên soạn giáo án vì tài liệu hướng dẫn học đã hướng dẫn chi tiết các hoạt động. Song giáo viên cần phải chuẩn bị bài dạy, dự kiến tình huống lên lớp, điều chỉnh các hoạt động khi thấy cần thiết, bổ sung thông tin cho phù hợp với đối tượng học sinh, ghi chép những nội dung cần điều chỉnh trong tài liệu, ghi chép lại các thắc mắc của học sinh và cha mẹ học sinh về nội dung bài học, ghi chép những điều cần lưu ý liên quan đến học sinh...
            Các nội dung đó được ghi chép vào Sổ tay lên lớp (ghi chép cá nhân) và các cấp quản lý không kiểm tra nội dung ghi chép trong sổ này.
             - Xin cảm ơn ông!

            Hiếu Nguyễn Báo GD&TĐ
Văn phòng - Sở GDĐT

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ ngôi trường của niềm tin và khát vọng: Bài 1 - Khát vọng vươn lên từ mô hình dạy học theo hướng hội nhập quốc tế

Trong thời đại toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ trên các lĩnh vực đời sống, các quốc gia đều đứng trước những thử thách, trong đó có công tác giáo dục. Do vậy cần xây dựng chiến lược giáo dục tổng thể để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhận thức rõ điều đó, Đảng uỷ Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình) với sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, năng động, sáng tạo đã xây dựng được mô hình đổi mới giáo dục theo hướng hiện đại trong giai đoạn vừa qua, làm tiền đề cho các năm tiếp theo.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ - ngôi trường của niềm tin và khát vọng: Bài 2 - Giáo dục hiện đại nhìn từ Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ

Trước những thay đổi mạnh mẽ của các cuộc cách mạng khoa học, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình) đã có bước đột phá trong đổi mới phương pháp giáo dục - vận dụng STEAM và nghiên cứu khoa học định hướng học sinh phát triển tư duy sáng tạo, vận dụng kiến thức đã học tạo ra các sản phẩm hữu ích mang tính ứng dụng cao, tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Trường Phổ thông DTNT THCS&THPT Mai Châu: Hiệu quả mô hình Câu lạc bộ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mai Châu có 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 6 dân tộc thiểu số, chiếm 90,04%. Mai Châu cũng là mảnh đất còn giữ được tương đối đậm nét bản sắc văn hóa các dân tộc Thái, Mông… Đây cũng là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh đã, đang thực hiện tốt công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Tiêu biểu phải kể đến mô hình Câu lạc bộ (CLB) giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Mai Châu.

Trường THPT Mường Chiềng tổ chức ngoại khoá tuyên truyền giáo dục pháp luật "Hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam 09/11"

Ngày 07/11/2024, Trường THPT Mường Chiềng tổ chức thành công chương trình Ngoại khóa Tuyên truyền Giáo dục Pháp luật “Hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam 9/11".

TRƯỜNG PT DTNT THCS&THPT HUYỆN TÂN LẠC - 30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Sáng ngày 02/11/2024, trường PT DTNT THCS&THPT huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 30 năm ngày thành lập trường( 2/11/1994 - 2/11/2024) kỉ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

TRƯỜNG THPT KỲ SƠN TỔ CHỨC HỘI THI “RUNG CHUÔNG VÀNG - KHÁM PHÁ KIẾN THỨC LIÊN MÔN”

Thực hiện kế hoạch giáo dục năm học 2024 – 2025 của trường THPT Kỳ Sơn, sáng ngày 19/10/2024, tổ Chuyên môn 3, trường THPT Kỳ Sơn đã tổ chức thành công chuyên đề ngoại khóa “RUNG CHUÔNG VÀNG - KHÁM PHÁ KIẾN THỨC LIÊN MÔN”.

TRƯỜNG THPT MƯỜNG BI- 30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Ngày 20/10/2024, trường THPT Mường Bi huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (18/10/2014-18/10/2024).

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ đoạt 56 huy chương tại Trại hè Hùng Vương

Ngày 4/8, Trại hè Hùng Vương lần thứ XVIII, năm 2024 được tổ chức tại Hòa Bình đã bế mạc.

Trường THPT 19-5 kết nạp Đảng viên cho Học sinh ưu tú

Thực hiện các Quyết định số: 28-QĐ/HU, Quyết định số 29-QĐ/HU, Quyết định số 30-QĐ/HU ngày 03/6/2024 của Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Bôi, được sự nhất trí của Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Bôi, Chi bộ trường THPT 19-5 Kim Bôi tổ chức Lễ kết nạp Đảng viên cho 03 quần chúng ưu tú trong đó có 01 học sinh lớp 12 vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Huyện Đà Bắc: Đảm bảo các điều kiện cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024, huyện Đà Bắc có 3 điểm thi tại các trường THPT: Đà Bắc, Yên Hòa và Mường Chiềng.