“Người chiến sĩ diệt dốt trên” trên quê hương hiếu học.
|
40 năm miệt mài gắn bó với sự nghiệp giáo dục miền núi, ở tuổi xế chiều, người thầy ấy vẫn còn lắm suy tư, nặng lòng với “cái chữ”.
Đã bước sang tuổi 72, nhưng người thầy giáo đáng kính đang ngồi trước mắt chúng tôi vẫn còn vẹn nguyên sự minh mẫn, tỉnh táo, nhanh nhẹn và cách nói chuyện rành mạch, cuốn hút của một nhà giáo. Thầy mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng kí ức giản dị: “Gần 50 năm về trước, thầy tốt nghiệp trường Sư phạm Nghệ An, theo tiếng gọi của phong trào “Tam bất kỳ”, các sinh viên tốt nghiệp đã tình nguyện đăng ký đi công tác ở các vùng sâu, vùng xa trên khắp mọi miền đất nước. Ban đầu, thầy cũng chỉ nghĩ sẽ lên Hoà Bình 3 - 5 năm . Nhưng, mảnh đất hiếu học và tình người nồng hậu đã giữ chân thầy”. Lên với vùng cao, công việc đầu tiên của một nhà giáo miền xuôi là học và làm quen với phong tục tập quán, lối sống của bà con dân tộc. Lúc này, nhiệm vụ đầu tiên của người thầy giáo là công tác dân vận, sau đó mới đến công tác giảng dạy. Thầy nhớ lại: “Đầu những năm 1960, đất nước mình gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất cho giáo dục còn nghèo nàn, thiếu thốn. Các lớp học thì sơ tán liên tục còn giáo viên thì phải ở nhờ nhà dân hoặc phải tự làm nhà tập thể bằng tranh tre, vách đất”. Trong những ngày khởi đầu gian khó ấy, không chỉ có gian nan, thiếu thốn thử thách sự kiên trì của người thầy mà đôi khi còn là sự hiểm nguy đến sinh mạng. Trận ném bom trong một buổi sáng thứ 7 năm 1967ở trường Ngọc Lương khi thầy đang lên lớp sinh hoạt cho các em vẫn còn vẹn nguyên là một kỉ niệm đáng nhớ trong nghề giáo: “Lúc đó, nhà máy dệt Nam Định sơ tán về Ngọc Lương, thầy được phân công chủ nhiệm lớp 7 gồm toàn con em công nhân nhà máy dệt. Đang sinh hoạt lớp thì bị ném bom, học sinh chạy toán loạn. Các thầy cô giáo phải tập hợp, đưa học sinh xuống hầm trú ẩn. Sau trận ném bom đó, bố mẹ nhiều em học sinh bị thương hoặc chết. Mình phải thay bố mẹ, quan tâm, chăm lo động viên các em nhiều hơn”. Cuộc sống thời bấy giờ vô cùng kham khổ, đồng lương giáo viên thấp, nhiều giáo viên chuyển nghề sang làm bên thương nghiệp. Nhưng tấm lòng, sự quí mến trân trọng mà người dân dành cho các thầy cô giáo đã níu giữ nhiều giáo viên với nghề, trong đó có thầy Lữ.
Năm 1973, thầy có một quyết định được coi là “đột phá” lúc bấy giờ: lên Đại học Sư phạm Hà Nội học đại học chính qui trong 4 năm. Gia gia đình hai bên nội, ngoại lại ở xa, đứa con gái đầu lòng mới sinh, cuộc sống vốn đã khó khăn giờ lại càng kham khổ. Chúng tôi bày tỏ lòng thán phục thầy, thầy chỉ cười khiêm tốn: “Tình cảm bà con nhân dân giành cho giáo viên chúng tôi đáng quí quá nên tự mình thấy cần thiết phải học cao lên nữa, có kiến thức để dạy cho các em. Vả lại, tôi là người khu 4, chịu khó, chịu khổ quen rồi”.
Tốt nghiệp đại học, trở về Yên Thuỷ, thầy được Đảng, chính quyền và lãnh đạo ngành tin tưởng giao phó chức vụ Trưởng phòng Giáo dục huyện Yên Thuỷ. Như một cánh chim lớn gặp bầu trời cao rộng, thầy đã biến những suy tư, trăn trở, tâm huyết của mình thành hành động để xây dựng Yên Thuỷ trở thành mảnh đất hiếu học có tiếng của Hoà Bình. Thầy tâm sự: “Khi bắt đầu được giao trọng trách này, tôi nghĩ việc đầu tiên cần làm ngay là tiến hành phổ cập, đẩy lùi “giặc dốt”. Nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc”. Năm 1983, thực hiện Chỉ thị 115 của Ban Bí thư TW Đảng chủ trương “Phổ cập trình độ văn hoá cấp II cho Đảng viên, cán bộ chủ chốt, đoàn viên ưu tú”, huyện Yên Thuỷ đã phát động được một phong trào phổ cập vô cùng sôi nổi, sâu rộng. Phòng Giáo dục đã tham mưu cho huyện xây dựng Nghị quyết, giao nhiệm vụ đến từng Bí thư, Chủ tịch xã các chỉ tiêu thi đua cụ thể. Với sự chuẩn bị chu đáo, kế hoạch phù hợp, công tác tuyên truyền vận động tốt nên đã được người dân ủng hộ. Không khí học tập sôi nổi khắp các xóm, xã, không phân biệt ban ngày hay buổi tối, ngày thường hay ngày nghỉ, trở thành một điểm sáng của cuộc vận động “Ánh sáng văn hoá”. Thật vinh dự và xứng đáng với nỗ lực của thầy Lữ, của sự hiếu học trên mảnh đất Yên Thuỷ khi năm 1984 nơi này đã được vinh dự chọn là điểm đăng cai “Hội nghị tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 115 của Ban Bí thư TW”. Thành công này đã tiếp sức thêm cho thầy trong công cuộc thực hiện phổ cập, đẩy lùi “giặc dốt”. Cho đến năm 1998, Yên Thủy đã trở thành huyện thứ 2 trong tỉnh (sau Thành phố Hoà Bình) tiến hành xong phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi.
Sau đúng 40 năm cống hiến cho ngành giáo dục miền núi, giờ đây, Hoà Bình đã thực sự trở thành quê hương thứ hai của thầy. Nghỉ ngơi an nhàn trong ngôi nhà đơn sơ, vui vầy bên con cháu đã gần 10 năm nay, nhưng người “chiến sĩ diệt dốt ” - nhà giáo ưu tú duy nhất của huyện Yên Thuỷ vẫn còn nhiều nặng lòng với cái chữ. Những lời nhắn nhủ của thầy trước lúc chia tay, khiến chúng tôi thực sự phải suy ngẫm: “Bây giờ, ngành giáo dục đã có đủ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, thầy cô giáo - cán bộ công nhân viên được chăm lo, con em được quan tâm chu đáo. Nhưng có lẽ đó chỉ là điều kiện “đủ”, nếu muốn có chất lượng giáo dục cao thực sự thì cần nhiều hơn nữa cái “tâm”, sự nhiệt tình và tấm lòng của mỗi người thầy”. Dương Liễu |