Những “chiến sĩ cầm phấn” nặng lòng với giáo dục miền núi
|
Hơn 100 giáo viên, trong đó có thầy Hoà nghe theo lời căn dặn của Bác Hồ “Đã xung phong, phải xung phong đến nơi đến chốn” toả đi khắp các thôn, xóm của tỉnh Hoà Bình. Bấy giờ, họ là những thanh niên mới chỉ mười chín, đôi mươi, ra đi với niềm lạc quan, không gợn chút riêng tư, tất cả vì sự nghiệp giáo dục miền núi. Thầy Hoà còn nhớ như in, nửa thế kỷ trước lên rẻo cao, vào các bản làng phải trèo đèo, lội suối đi cả ngày đường. Xã Lạc Lương, huyện Yên Thuỷ, nơi đầu tiên thầy đến công tác cũng vậy, nhà cửa còn đơn sơ, chủ yếu là tranh tre nứa lá. Vậy mà các thầy, cô giáo miền xuôi đã không quản ngại ngày, đêm vận động nhân dân lấy nứa, gỗ làm trường. Ban đêm đến từng nhà vận động mọi người đến lớp học.
Được tăng cường thêm đội ngũ giáo viên miền xuôi,
các giáo viên người bản địa đã phấn khởi, cùng đoàn kết đưa chữ Bác Hồ
đến với mọi người, mọi nhà. Lòng tận tuỵ, hy sinh của các thầy, cô tình
nguyện như một luồng gió mới động viên, cổ vũ người dân và học sinh đến
trường học tập ngày càng đông. Biết bao ngày đói cơm, thiếu muối không
ngăn được bước chân của thầy, cô và đồng bào đến lớp. Mải mê truyền dạy
con chữ, nhiều người đã quên cả tuổi thanh xuân, muộn mằn trong xây dựng
gia đình và không ít người đã ở lại Hoà Bình, coi đây là quê hương thứ
hai.
Chính sự miệt mài, cố gắng không ngừng nghỉ của họ
đã góp phần to lớn đưa việc học từ chỗ còn manh nha, số trường lớp chưa
đếm đủ 10 ngón tay, nay đã phát triển, đổi mới mạnh mẽ. Nhà giáo Đỗ
Thành
Thầy Nguyễn Văn Hùng quê ở phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình lên công tác tại trường THCS Trung Thành, rồi đến THCS Đoàn Kết (Đà Bắc) đã gần 10 năm tâm sự: Mới đầu lên phải học tiếng Tày, biết tiếng thì mới tìm hiểu hoàn cảnh và vận động các em học sinh dân tộc đến lớp được. Cuộc sống còn khó khăn, đường xá xa xôi, học lực yếu khiến một số em bỏ lớp. Thầy giáo nơi vùng khó khăn không chỉ dạy chữ mà còn phải làm công tác dân vận. Bữa ăn hàng ngày thì phải mua dự trữ những hôm xuống núi, mà cũng chỉ có cá khô là chủ yếu vì để được lâu, còn rau thì tự tăng gia lấy.
Thời gian gần đây, chúng ta nói nhiều đến cuộc vận động “hai không”, tỷ lệ học sinh dân tộc vùng sâu, vùng xa bỏ học. Nhưng, có đến những nơi khó khăn, hỉểu được bản chất của giáo dục vùng cao mới thấy những nỗ lực, cố gắng của các thầy, cô. Vẫn còn đó, những ngôi trường chưa được khang trang, con đường đến lớp gập ghềnh, hiểm trở. Gia đình các em học sinh còn lam lũ kiếm từng bữa ăn. Chế độ, chính sách cho giáo viên ở những vùng này đôi khi còn chưa kịp thời, đầy đủ. Đảng, Nhà nước đã giành nhiều quan tâm đến giáo dục miền núi, nhưng vẫn còn nhiều điều cần làm để mỗi ngày đến lớp đối với học sinh dân tộc miền núi thực sự là một ngày vui. Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thực sự mới trở thành hiện thực.
Cẩm Lệ