Hội thảo “Vai trò của nữ cán bộ quản lý trong đổi mới giáo dục”.
Ngày 16 tháng 10 năm 2024, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Công đoàn Giáo dục Hòa Bình tổ chức Hội thảo “Vai trò của nữ cán bộ quản lý trong đổi mới giáo dục”. Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động của ngành GD&ĐT chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024), là dịp để tôn vinh và phát huy vai trò đội ngũ nữ cán bộ quản lý trong sự nghiệp đổi mới giáo dục của tỉnh nhà.
Tham dự hội thảo có 92 nữ đại biểu là lãnh đạo Sở GD&ĐT; lãnh đạo, chuyên viên các phòng chức năng, chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở GD&ĐT và các phòng GD&ĐT huyện, thành phố; cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu đại diện cho các đơn vị trường học từ cấp mầm non đến Cao đẳng Sư phạm. Đồng chí Đinh Thị Hường – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Chủ trì hội thảo.
Đồng chí Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - Phát biểu khai mạc Hội thảo
Toàn ngành hiện có 18.426 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó tỷ lệ nữ cán bộ quản lý, giáo viên chiếm 83%. Đội ngũ nữ cán bộ quản lý, nhà giáo hiện nay thực sự là lực lượng to lớn, rất quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành. Các đồng chí là những người mẹ, người chị, những nhà giáo tâm huyết, luôn dành trọn tình yêu thương và sự tận tâm cho sự nghiệp trồng người. Dù ở các vị trí công tác khác nhau, đội ngũ nữ cán bộ quản lý, nhà giáo luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phát huy cao nhất năng lực quản lý, giảng dạy góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn đổi mới.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo đã được lắng nghe ý kiến tham luận của các nữ cán bộ quản lý, giáo viên đến từ các cơ quan quản lý giáo dục và các đơn vị trường học. Các ý kiến tham luận, trao đổi, thảo luận tại hội thảo tập trung vào đề xuất các giải pháp phát huy vai trò nữ cán bộ quản lý, nữ nhà giáo trong sự nghiệp đổi mới giáo dục; các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; các giải pháp thực hiện tốt công tác quản lý nhà trường và thực hiện Chương trình GDPT 2018; các giải pháp quản lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn tới.
Các đại biểu tham luận, trao đổi tại Hội thảo
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Đinh Thị Hường – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị các đồng chí nữ cán bộ quản lý, giáo viên tiếp tục thực hiện một số nội dung:
Thứ nhất, Tiếp tục chỉ đạo thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới, về công tác nữ góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới bình đẳng trong mọi lĩnh vực. Trước hết cần nhận thức đúng về xu hướng tất yếu, khách quan trong việc lựa chọn, bố trí cán bộ nữ vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt, thể hiện rõ ở việc nhìn nhận, đánh giá cán bộ nữ một cách khách quan, công tâm, công bằng, khắc phục tính định kiến, hẹp hòi.
Thứ hai, chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý và phát triển toàn diện phụ nữ và nâng cao vị thế, sức mạnh, tiềm năng của phụ nữ trong bối cảnh mới. Mạnh dạn bố trí, sử dụng cán bộ nữ, đề bạt cán bộ nữ ở những vị trí xứng đáng khi có đủ điều kiện, trình độ năng lực đảm đương nhiệm vụ được giao, nhất là cán bộ nữ người dân tộc thiểu số. Thường xuyên làm rõ những hạn chế, bất cập, kịp thời có giải pháp khắc phục phù hợp với từng đối tượng, từng cơ sở giáo dục, phát huy tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các nữ nhà giáo vào sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Thứ ba, tăng cường lãnh đạo củng cố các tổ chức đoàn thể quần chúng như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Nữ công…trong các đơn vị, trường học. Coi trọng kết nạp đảng viên nữ, đảng viên là người dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và ứng xử xã hội nhằm nâng cao năng lực thực tiến. Thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm đối với cán bộ nữ để cùng nhau học tập và vận dụng sáng tạo vào thực tế các đơn vị, trường học cho phù hợp, hiệu quả
Thứ tư, chăm lo cho cán bộ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt nhất vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Quan tâm phát biện, bồi dưỡng, tạo nguồn đối với nữ sinh có thành tích học tập xuất sắc và thiên hướng nghề nghiệp sư phạm từ các cấp học phổ thông.
Thứ năm, phối kết hợp chặt chẽ giữa ngành GD&ĐT với các đơn vị liên quan trong việc đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm nữ cán bộ, giáo viên. Xây dựng kế hoạch tổng thể trong việc đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ nữ; bồi dưỡng trình độ chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Một số hình ảnh bên lề Hội thảo
Duy Tú - Chuyên viên Văn phòng Sở GD&ĐT./.
Văn phòng