Tiêu điểm - Sự kiện :: 20/08/2011

Hát dân ca và các trò chơi dân gian trong trường học góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Dân tộc

Ngày 17/9/2010 tại trường PT DTNT huyện Tân Lạc, sở GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tập huấn đưa các bài hát Dân ca và các Trò chơi dân gian vào trường học trong năm học 2010-2011. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Bùi Ngọc Dảo - Phó Giám đốc sở GD&ĐT cùng các đồng chí trưởng, phó phòng, chuyên viên các phòng chức năng, chuyên môn nghiệp vụ.
      
Đ/c Bùi Ngọc Dảo - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu chỉ đạo hội nghị

       Dân ca là một thể loại ca hát dân gian, chủ yếu xuất phát từ cuộc sống, lao động, rất có thể bắt đầu từ một cá nhân có năng khiếu đưa vào  một bài ca dao (thơ dân gian), rồi được truyền miệng và nhào luyện, uốn nắn, gọt giũa qua nhiều người trong cộng đồng từ nơi này đến nơi khác, từ thời này qua thời khác, có thể sinh ra nhiều dị bản khác nhau, thường khó xác định được gốc xuất phát bắt đầu từ đâu. Vượt qua mọi thử thách của thời gian, Dân ca là loại nhạc dân gian, nhạc của đại chúng dựa trên ngôn ngữ Việt Nam được coi là loại nhạc còn giữ được tính dân tộc Việt trọn vẹn nhất. Dân ca là một kho tàng vô giá về văn chương và nhất là về âm nhạc cho bất cứ người Việt Nam nào yêu thích và mong muốn phát triển tài năng. Dân ca có vị trí quan trọng đối với các nhà trường  hiện nay, khi mà phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực đã và đang triển khai sâu rộng trong các nhà trường. Chỉ có xuất phát từ Dân ca, chúng ta mới hy vọng xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 


Nhà giáo Hà Tri hướng dẫn các bài hát Dân ca trong trường học

       Thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2010 - 2011, thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Sở GD&ĐT tiếp tục đưa các bài hát dân ca vào nhà trường mục đích giúp các nhà trường, các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh nâng cao vốn hiểu biết về hát dân ca, duy trì các bài hát dân ca Việt Nam đang có nguy cơ mai một, tạo nên một sức sống mới về giữ gìn Văn hóa truyền thống trong các nhà trường. Bởi chính các em học sinh khi hát các bài dân ca của dân tộc mình là những người có trách nhiệm và giữ gìn, phát huy nền văn hóa dân tộc Việt Nam - Một  di sản quí báu mà cha ông ta truyền lại. Đặc biệt đưa các bài hát dân ca vào nhà trường nhằm giúp các em học sinh hiểu những giá trị độc đáo trong văn hóa cổ truyền dân tộc. Dư âm của những giai điệu quê hương, những câu ca dao trong những làn điệu dân ca mượt mà  chính là mạch nguồn của sự sống, nuôi dưỡng và nâng cao tâm hồn tuổi học trò. 


Tiết mục Văn nghệ chào mừng hội nghị

       Từ lâu người ta đã coi trò chơi dân gian là những giá trị thể hiện nền văn hoá lâu đời của mỗi dân tộc. Việt Nam chúng ta không phải ai cũng thấy được điều đó, thậm chí không ít người vẫn bị ám ảnh bởi quan niệm xưa cũ, lạc hậu. Hiện nay, đến thời điểm này các trò chơi dân gian của VN vẫn có sức sống mãnh liệt trường tồn, sức cuốn hút của trò chơi dân gian đã lôi kéo mọi người tham gia.  
Cùng với việc đưa các bài Dân ca vào trường học, các trò chơi dân gian cũng được Bộ GD&ĐT chủ trương đưa vào nhà trường trong 3 năm qua. Trò chơi dân gian có vị trí rất quan trọng trong đời sống vui chơi của tuổi thơ. Trong thời buổi tràn ngập game online, những trò chơi dân gian như nhảy dây, ô ăn quan, đá cầu, cướp cờ, trồng nụ trồng hoa…dường  như đã bị quên lãng. Kể từ khi phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được  triển khai sâu rộng trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thì các trò chơi dân gian bắt đầu sống lại và được sử dụng thường xuyên sau mỗi giờ học căng thẳng và đặc biệt được sử dụng trong phần Hội của các buổi Lễ.
Trong 3 năm qua, Sở GD&ĐT đã tích cực chỉ đạo các nhà trường đưa các trò dân gian vào các trường học. Ngoài những nội dung được các trường đang triển khai để nâng cao chất lượng dạy, học, tạo môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, một nội dung được coi là điểm nhấn của phong trào trong năm học này là đưa trò chơi dân gian, hát dân ca và các loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian vào trường học, xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học. Hướng đến mục tiêu “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, việc đưa trò chơi dân gian vào trường học mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Nó không chỉ góp phần rèn luyện sức khoẻ, kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, thói quen và kỹ năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm mà còn giúp học sinh rèn khả năng ứng xử văn hoá, không sa vào những trò chơi bạo lực vô bổ đang tràn lan và các tệ nạn xã hội. Đặc điểm chung của trò chơi dân gian được triển khai trong trường học là đơn giản, dễ chơi, dễ hoà nhập. Nhiều trường học trong tỉnh đã cho học sinh làm quen với trò chơi dân gian. Trường thì tổ chức trong các giờ ra chơi, giờ thể dục, giờ ngoại khoá, có trường học sinh chỉ được làm quen vào các dịp liên hoan, tổ chức các ngày kỷ niệm, khai giảng năm học mới... Nhưng một điều đáng mừng là phần lớn học sinh đều hào hứng với các trò chơi dân gian, đặc biệt là các cháu MN, học sinh tiểu học,THCS. Trong các buổi tổ chức trò chơi dân gian thực sự đã lôi cuốn các em bởi những tiếng hò reo, tiếng cười nói khi các em học sinh tham gia các trò chơi dân gian quen thuộc gần với suy nghĩ và truyền thống của dân tộc. Trò chơi dân gian thực sự góp phần giáo dục học sinh về truyền thống văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt nam.
       Các trường học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo như xây dựng góc “Trò chơi dân gian” cho học sinh. Với các trò chơi dân gian truyền thống, học sinh được chơi trong lớp, ngoài sân, trong giờ sinh hoạt tập thể, giờ ra chơi đều có thể tiếp thu các trò chơi dân gian. Trong các giờ học, giáo viên cũng lồng ghép vào các tiết dạy để học sinh tự tin, mạnh dạn, hứng thú học tập. Những giờ vui chơi như vậy cũng góp phần giúp học sinh được giao lưu ấm tình đoàn kết bạn bè. Từ đó, chính học sinh vì yêu thích trò chơi dân gian mà tự tìm thêm những trò chơi khác, làm phong phú thêm trò chơi dân gian của nhà trường. Với đặc điểm, trò chơi dân gian thường rất đơn giản, không tốn kém, chơi lại nhẹ nhàng, không đòi hỏi nhiều kinh phí mua sắm dụng cụ, học sinh rất thích thú khi vui chơi. Nhưng không phải cứ đưa vào trường là các em chơi được ngay. Nhà trường phải chọn cách thức đưa trò chơi vào cho phù hợp; phân công, phân nhiệm, nghiên cứ kỹ về ý nghĩa trò chơi. Qua trò chơi để học tập, rèn luyện ý thức tập thể, đoàn kết và quyết tâm... 


Tập huấn các trò chơi Dân gian

       Tuy nhiên, thực tế cho thấy, còn một số trường còn lúng túng trong việc đưa trò chơi nào vào nhà trường, chơi ở đâu, làm sao cho an toàn với học sinh... Không chỉ học sinh mà bản thân nhiều giáo viên cũng còn bỡ ngỡ trước các trò chơi dân gian, nhiều giáo viên không kể được một vài tên trò chơi dân gian khi được hỏi. Chưa nói đến cách thức hướng dẫn học sinh.  
       Cuộc sống hiện đại, người ta có thể tìm hiểu đời sống văn hoá, trang phục... truyền thống trên báo, viện bảo tàng... Nhưng, trò chơi dân gian thì rất hiếm. Phần đông trẻ em và thanh thiếu niên bây giờ chỉ biết một số trò chơi dân gian qua tranh ảnh hoặc do người lớn kể lại. Và còn rất nhiều trò chơi dân gian khác đã bị rơi vào quên lãng bởi thời buổi công nghệ điện tử, internet hiện đại lan tràn khắp nông thôn, thành thị. Trong khi trò chơi dân gian được đánh giá chứa đựng một nền văn hoá truyền thống và góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng nên nhân cách, tâm hồn thế hệ trẻ, thì việc đưa trò chơi dân gian vào trường học là điều đáng quý và trân trọng. Nhưng vấn đề đặt ra là các trường học cần phải nghiên cứu, tìm tòi biện pháp nhằm khơi gợi sự hứng thú cho học sinh. Nhiệm vụ của các nhà giáo dục, của các thầy cô không chỉ sưu tầm, mà quan trọng hơn là phải biết cách tổ chức sao cho các em thật sự hứng thú và tích cực hưởng ứng và đạt kết quả cao. Hội nghị tập huấn hôm nay sẽ một phần nào góp phần vào việc đưa các bài hát dân ca và trò chơi dân gian vào nhà trường, góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” năm học 2010 - 2011.  
      Ngoài các bài hát dân ca và trò chơi dân gian do Sở tập huấn năm học 2009 - 2010 và năm học 2010 - 2011, yêu cầu các đơn vị, trường học tự tìm hiểu, nghiên cứu và đưa vào thêm các trò chơi khác phù hợp, nhất là các trò chơi dân gian của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình để bổ sung ngày càng phong phú vào kho tàng các bài hát dân ca và trò chơi dân gian Việt nam những bài hát hay, những trò chơi có ý nghĩa, góp phần nâng cao kiến thức toàn diện cho các em học sinh. 

       Ngô Thị Oanh - Vinh Quang
Văn phòng - Sở GDĐT

Triển khai nhiệm vụ ngành Giáo dục và đào tạo quý II/2025

Ngày 27/3, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến ngành GD&ĐT quý I, triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II/2025.

Luật Nhà giáo sẽ tạo không khí mới cho nhà giáo và ngành giáo dục

Chiều 27/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật Nhà giáo.

Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ trung học phổ thông”

Ngày 28/3, tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo "Hành trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ THPT”.

Tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm

Ngay sau khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm được ban hành, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hoà Bình đã chỉ đạo các đơn vị, trường học quán triệt, tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh. Công tác quản lý việc dạy thêm, học thêm và nâng cao chất lượng giáo dục nhìn chung đã, đang được tăng cường theo hướng tích cực.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra ngày 26 và 27-6

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 sẽ diễn ra ngày 26, 27/6/2025.

Bảo vệ trẻ trước tình trạng quà vặt "bủa vây" ngoài cổng trường

Tình trạng đồ ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém vệ sinh được bày bán tràn lan bên ngoài các cổng trường luôn là vấn đề nhức nhối, khó giải quyết triệt để. Chính vì vậy, nhà trường và phụ huynh học sinh nên phối hợp chặt chẽ để chủ động bảo vệ con em mình trước nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngành Giáo dục “phủ xanh” thông tin tích cực trên không gian mạng

Trong bối cảnh thời đại số, công nghệ thông tin và mạng xã hội (MXH) bùng nổ mạnh mẽ đã tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống xã hội. Người dùng dễ dàng kết nối, chia sẻ, tiếp cận thông tin, bao gồm cả những thông tin chính thống, tích cực và thông tin xấu, độc, sai trái, bịa đặt. Mô hình "Chủ động lan toả thông tin tích cực, đẩy lùi thông tin xấu, độc” trên không gian mạng được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh triển khai bước đầu mang lại nhiều kết quả nổi bật.

Những nhà giáo ưu tú tận tụy gieo chữ “trồng người”

Trong không khí hân hoan mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ của quê hương, đất nước, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hòa Bình phấn khởi với những thành tích và kết quả đạt được trong năm vừa qua. Đóng góp vào thành tích chung của ngành không thể không kể đến những tấm gương nhà giáo tâm huyết với nghề, giàu sáng tạo; những nhà giáo ưu tú (NGƯT) hàng ngày đóng góp cho sự nghiệp GD&ĐT, lan tỏa sự nhiệt tình, trách nhiệm trong sự nghiệp "trồng người".

Tuyên dương 2 học sinh nhặt được của rơi trả lại người đánh mất

Hai em Bùi Ngọc Toản và Bùi Nhật Thái, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Bắc Sơn, huyện Kim Bôi đã nhặt được chiếc ví bên trong có giấy tờ cùng gần 3 triệu đồng và trả lại cho người đánh rơi. Hành động đẹp của 2 em góp phần lan tỏa những việc làm tốt trong xã hội.

Những quy định về miễn thi trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2025

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quy chế thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025. Trong đó, các chính sách về miễn thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông tiếp tục được áp dụng cùng với một số điểm mới liên quan đến việc miễn thi môn Ngoại ngữ và Ngữ Văn.