Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trường Bộ GD&ĐT phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Dự Hội nghị có Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trường Bộ GD&ĐT, lãnh đạo, chuyên viên Vụ Giáo dục tiểu học, Vụ Giáo dục trung học Bộ GD&ĐT; Ban Quản lý Mô hình trường học mới tại Việt Nam. Dự và chỉ đạo Hội nghị có Nhà giáo Bùi Trọng Đắc – TUV, Giám đốc Sở GD&ĐT; Nhà giáo Đặng Quang Ngàn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, các đồng chí Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng chức năng, chuyên môn, nghiệp vụ Sở, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện, thành phố cùng Hiệu trưởng của 62 trường tiểu học đầu tiên của tỉnh Hòa Bình tham gia Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam.
Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education – Viet Nam Escuela Nueva) là một Dự án về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam.
Mô hình trường học mới khởi nguồn từ Côlômbia từ những năm 1995-2000 để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy – học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lí lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy – học… Điểm nổi bật của mô hình này là đổi mới về các hoạt động sư phạm, một trong những hoạt động đó là đổi mới về cách thức tổ chức lớp học. Theo mô hình của trường học mới, quản lí lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”, các “ban” trong lớp, do học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm. Sự thành lập cũng như hiệu quả hoạt động của “Hội đồng tự quản học sinh”, các “ban” rất cần sự tư vấn, khích lệ, giám sát của giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội, sự tích cực, trách nhiệm của học sinh. “Hội đồng tự quản học sinh” là một biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập, giáo dục. Học sinh có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn các kĩ năng lãnh đạo, kĩ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động.
Nhà giáo Bùi Trọng Đắc – TUV, Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu Khai mạc Hội nghị Năm học 2011 – 2012, Hòa Bình là 1 trong 6 tỉnh được Bộ GD&ĐT chọn thí điểm triển khai mô hình VNEN đối với 8 lớp 2 của 4 trường tiểu học thuộc Phòng GD&ĐT thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn. Năm học 2012–2013, toàn tỉnh có 62 trường học đăng ký thực hiện, đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 147/238 trường tiểu học theo mô hình VNEN, tỷ lệ 61,8%, trong đó có 62 trường thuộc dự án và 85 trường tiểu học nhân rộng. Mô hình VNEN đã giúp cho kết quả học tập của học sinh chuyển biến rõ rệt về chất trên cả 3 mặt: đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học, phát triển năng lực và hình thành phẩm chất. Trong những năm vừa qua, Ban quản lý dự án Trung ương đã cấp cho tỉnh hơn 31 tỷ đồng thực hiện dự án, UBND tỉnh chi 800 triệu đồng vốn đối ứng của địa phương phục vụ hoạt động của dự án. Vốn của dự án cấp trực tiếp cho 62 trường thụ hưởng dự án hàng năm trong đó tập trung vào quỹ I hoạt động chuyên môn và tăng cường cơ sở vật chất với 4000 USD/trường/năm và 1000 USD/điểm lẻ/năm, quỹ II hỗ trợ bán trú cho học sinh 8 điểm trường với 4000 USD/điểm trường/năm và tăng cường tiếng Việt cho học sinh 14 trường thụ hưởng dự án.
Qua 3 năm triển khai, 100% các trường thuộc dự án và các trường nhân rộng đã tổ chức hiệu quả việc phối hợp với cha mẹ học sinh và học sinh trong xây dựng, sắp xếp công cụ lớp học, góc thư viện, nội quy lớp học, hộp thư chia sẻ… định hướng cho các trường, giáo viên dựa vào tình hình thực tế của nhà trường và các yếu tố sẵn có tại địa phương, tại lớp học để trang trí, xây dựng các yếu tố trong lớp một cách hiệu quả. 100% giáo viên nắm vững phương pháp dạy học theo mô hình VNEN, giáo viên hướng dẫn học sinh hoạt động khám phá, phát triển kiến thức, kỹ năng mới thông qua quá trình học tập mang tính hợp tác. Phần lớn giáo viên linh hoạt chủ động điều chỉnh nhịp độ học tập tùy theo đối tượng học sinh, thực hiện ghi chép nhật ký ở mỗi bài dạy để điều chỉnh, rút kinh nghiệm khi gặp những vướng mắc về nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động theo tài liệu; tích cực nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập và tích cực dự giờ, trao đổi, rút kinh nghiệm; giáo viên đã hạn chế được thói quen giảng giải, thuyết trình mà tập trung vào việc quan sát, hướng dẫn, tổ chức hoạt động tự học cá nhân, cặp đôi, theo nhóm. Đối với học sinh, dự án đã thay đổi được thói quen học tập, rèn luyện, phát huy tối đa vai trò chủ động tích cực của học sinh, cùng với sự chỉ dẫn của tài liệu hướng dẫn học, sự trợ giúp của giáo viên và các bạn học cùng nhóm. Học sinh đã tự giác trong học tập, biết tự học, tự đánh giá, tự tin, tự trọng, tự quản và biết tự giải quyết vấn đề. Học sinh biết gắn kết giữa nội dung học với đời sống thực tiễn của học sinh, của cộng đồng thông qua hoạt động ứng dựng của mỗi bài học…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã đánh giá cao kết quả ngành GD&ĐT Hòa Bình đạt được trong những năm qua, đặc biệt là trong triển khai mô hình trường học VNEN. Trong những năm tiếp theo, để tiếp tục triển khai mô hình trường học mới một cách hiệu quả, Thứ trưởng nhấn mạnh ngành Giáo dục Hòa Bình cần tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như sau: Trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội nhận thức đầy đủ và đúng đắn về chủ trương, mục tiêu, nội dung, phương thức và hiệu quả của việc triển khai mô hình; hướng dẫn các trường tiểu học đang triển khai mô hình áp dụng toàn bộ hoặc từng phần mô hình, đánh giá kết quả, tổng kết các kinh nghiệm thực hiện; đồng thời tăng cường công tác tập huấn, hội thảo, sinh hoạt chuyên môn cấp tổ, cấp trường, cụm trường, cấp huyện, cấp tỉnh để trao đổi về chuyên môn; nhân rộng cá nhân, tập thể điển hình về thực hiện dạy học theo mô hình trường học mới; thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp nhằm đầu tư cơ sở, vất chất, trang thiết bị để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ dạy học theo mô hình; 100% học sinh có đủ sách để học tập; tích cực triển khai đổi mới dạy học lớp 1 theo bộ tài liệu tiếng Việt 1 - công nghệ giáo dục nhằm nâng cao chất lượng tiếng Việt cho học sinh và tạo sự đồng bộ cho việc triển khai áp dụng mô hình trường học mới (VNEN) cho những năm học tiếp theo…
Nhà giáo Bùi Trọng Đắc – TUV, Giám đốc Sở GD&ĐT trao giấy khen cho các cá nhân, tập thể
có thành tích xuất sắc trong thực hiện dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam, giai đoạn 2013 – 2016. Tại hội nghị, Sở GD&ĐT đã tặng Giấy khen cho 20 tập thể và 48 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam giai đoạn 2013 – 2016.
Văn Hùng