Đó là chia sẻ của ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) trong cuộc trao đổi với phóng viên về công tác xây dựng đề thi.
Ảnh minh họa Thưa ông, đề thi THPT Quốc gia năm nay sẽ khác gì so với đề thi của các năm trước đây và ông có lời khuyên nào dành cho các thí sinh? - Đề thi sẽ theo hướng đánh giá năng lực của người học, không yêu cầu cao việc các em phải ghi nhớ "máy móc" các số liệu, sự kiện mà phải bằng kiến thức, năng lực, bằng vốn sống của mình để vận dụng các kiến thức tổng hợp.
Đề thi sẽ có phần cơ bản khoảng 60% và phần nâng cao khoảng 40%. Trong đề thi, các câu hỏi sẽ được sắp xếp theo hướng độ khó tăng dần lên để thuận lợi cho các thí sinh.
Nội dung của kỳ thi nằm trong chương trình THPT chủ yếu lớp 12. Đặc biệt, với sự chuẩn bị của các em trong suốt thời gian qua, tôi cho rằng, các em cần bình tĩnh, yên tâm làm bài với sự nỗ lực tốt nhất của mình.
Một số địa phương đã tổ chức thi thử kỳ thi THPT Quốc gia và một số nơi, điểm của các thí sinh khá thấp. Ông có lo lắng hay không? Và trong kỳ thi THPT sắp tới, làm thế nào để chúng ta có thể đảm bảo nghiêm túc, đồng thời tránh gây sốc khi công tác coi thi và chấm thi được dự đoán sẽ rất chặt chẽ? - Vừa qua, một số tỉnh có tổ chức thi thử. Rõ ràng, thi thử chưa phải thi thật nên tâm thế làm bài cũng khác với cuộc thi thật. Chắc chắn, các em chưa nỗ lực nhiều và đề thi thử cũng có mức độ khác với đề thi chính thức.
Kết quả của kỳ thi thử là một kênh thông tin. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích kết quả của các tỉnh, chúng tôi có những điều chỉnh phù hợp trong đề chính thức.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nguồn Báo GD&TĐ