Print (Ctrl+P)

Đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giáo viên Mầm non người dân tộc thiểu số ở tỉnh ta

Thế mạnh của giáo viên người dân tộc thiểu số là dạy Song ngữ chưa phát huy hết khả năng. Vì vậy, thế mạnh trong dạy Song ngữ của giáo viên người dân tộc Thiểu số chưa đạt chất lượng, hiệu quả cao...

Nguyên Bộ Trưởng Nguyễn Minh Hiển với các cháu mầm non Lương Sơn

 Thực trạng đội ngũ giáo viên Mầm non hiện nay còn nhiều bất cập. Giáo viên Mầm non chưa qua đào tạo, chưa đạt chuẩn đào tạo còn nhiều; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên còn thấp, không đồng đều. Số giáo viên chưa qua đào tạo hoặc không đạt chuẩn được tuyển dụng do những giải pháp tình thế của thời kỳ những năm 80, 90 trước đây là những tồn tại lớn chưa dễ khắc phục ngay.
Nội dung, phương pháp, cách thức đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng giáo viên Mầm non những năm qua còn có những điểm chưa sát với thực tế. Đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số chưa được khai thác và huy động  hết khả năng tiềm tàng hiện có của họ. Thế mạnh của giáo viên người dân tộc thiểu số là dạy Song ngữ chưa phát huy hết khả năng. Vì vậy, thế mạnh trong dạy Song ngữ của giáo viên người dân tộc Thiểu số chưa đạt chất lượng, hiệu quả cao...
Chế độ đãi ngộ, tiền lương, tiền thưởng còn thấp, chưa tương xứng với công sức của giáo viên, nhất là giáo viên Mầm non ngoài công lập và cũng vì vậy, phần nào ảnh hưởng rất lớn đến sự gắn bó của họ với mái trường và nghề nghiệp mà họ đã được đào tạo.
Trước thực trạng trên trong những năm qua, cùng với sự quan tâm chăm lo đến  phát triển đội ngũ giáo viên nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng giáo viên người dân tộc thiểu số nói riêng đã được quan tâm, chú ý từ  nhiều phía. Đặc biệt là ngành GD&ĐT đã cải tiến nội dung, phương pháp, cách thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên bài bản hơn phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của địa phương, đảm bảo tính  đặc trưng, đặc thù riêng biệt trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng. Đa dạng các hình thức đào tạo với nhiều hình thức phong phú hơn như: đào tạo tập trung; đào tạo Chính quy; đào tạo tại chức; đào tạo cấp tốc... với nhiều hệ và trình độ khác nhau.
          Ngoài nội dung đào tạo chính quy, ngành chú trọng đào tạo  chương trình  cấp tốc đối với giáo viên căn bản cho đội tượng là  người dân tộc khó khăn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ít người... Phối kết hợp với chính quyền địa phương tuyển chọn đối tượng đào tạo. Phối kết hợp với các trường Dân tộc nội trú huyện chọn những học sinh nữ có trình độ văn hoá  hết bậc Tiểu học  trở lên có năng khiếu hát múa, có tuổi đời còn trẻ. Chọn giáo viên Tiểu học là người địa phương được bồi dưỡng chương trình Mầm non để dạy lớp 36 buổi trong dịp hè. Phân công giáo viên Mầm non tại các trường điểm huyện có trình độ chuyên môn vững vàng, nhiệt tình, có kinh nghiệm lên các trường Mầm non vùng khó khăn giảng dạy, tập huấn giúp đỡ công tác chuyên môn cho giáo viên các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc.
Hướng dẫn các cháu múa hát

Hướng dẫn các cháu múa hát

          Đối với những xã người Mông, người Dao ở hai huyện Mai Châu, Đà Bắc, ngành đã có nhiều biện pháp cụ thể như việc chọn những giáo viên mầm non tại các trường điểm trong dịp hè lên các xã vùng cao người Mông, người Dao để dạy chương trình 36 buổi cho các cháu dân tộc. Các em học sinh trường Dân tộc Nội trú sẽ là người phiên dịch và cũng là những cô giáo phụ giảng cho lớp mẫu giáo 5 tuổi 36 buổi. Các em học sinh ngoài nhiệm vụ làm phiên dịch còn được các cô giáo mầm non hướng dẫn dạy chương trình 5 tuổi 36 buổi theo cách hướng dẫn trực tiếp. Đến nay, hầu hết giáo viên các xã vùng cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc,  có giáo viên là người dan tộc thiểu số của địa phương. Địa phương hoá giáo viên đang dần dần trở thành hiện thực.
          Cùng với công tác đào tạo, công tác sử dụng giáo viên người dân tộc thiểu số đựơc quan tâm đúng mức. Ngành GD&ĐT đã sử dụng Cán bộ quản lý người dân tộc chiếm 43,5%. Việc bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó các trường Mầm non là người địa phương đã đáp ứng được yêu cầu và phù hợp với điều kiện của địa phương.
Tuy nhiên, để làm tốt công tác Đào tạo, bồi dưỡng  và sử dụng giáo viên người dân tộc thiểu số trong thời gian tới cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành của Trung ương, của tỉnh  thông qua thực hiện các dự án. Tiến hành áp dụng phương pháp dạy học mới; tổ chức tập huấn giáo viên cần có bước đột phá về nội dung, phương pháp và đặc biệt là kỹ thuật tập huấn giáo viên, nhất là giáo viên người thiểu số.
Tăng cường đầu tư kinh phí cho đào tạo bồi dưỡng giáo viên người dân tộc thiểu số. Vì điều kiện các nơi này kinh tế rất khó khăn. Tăng cường đầu tư về cơ sở, vật chất trang thiết bị nuôi dạy cho các trường Mầm non, đặc biệt ưu tiên trang thiết bị, đồ dùng nuôi - dạy cho giáo viên Mầm non các vùng khó khăn; tăng cường đầu tư, mua sắm đồ chơi cho các cháu nhà trẻ, Mẫu giáo. Tổ chức biên soạn tài liệu địa phương có chất lượng phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên người dân tộc thiểu số theo các chuyên đề thật cụ thể, thiết thực, đảm bảo nét đặc thù giúp cô và cháu dễ truyền thụ, giao lưu và tiếp nhận nội dung bài học.
Tiến hành bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên người dân tộc thiểu số mà nội dung chủ yếu là thực hành trên lớp; giảm bớt các tiết lý thuyết chung chung và phải coi trọng làm mẫu thực hành Sư phạm. Từng bước thực hiện đào tạo giáo viên người dân tộc thiểu số theo địa chỉ; tiến tới địa phương hoá giáo viên. Kết hợp giải quyết hỗ trợ lương cho giáo viên và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho giáo viên ngoài biên chế.

Hồng Mạc


Sở GDĐT
Văn phòng