Đ/c Vũ Đức Đam – Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo Hội nghị Dự Hội nghị, có các đồng chí Vũ Đức Đam – Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Khắc Định - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Ngô Trọng Vịnh - Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, Nguyễn Mậu Bành – Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cùng lãnh đạo các ban ngành, các hội, tổ chức...
Về phía các tỉnh, có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND các tỉnh: Hà Nội, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Tiền Giang, An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Quảng Ninh...; hiệu trưởng các trường sư phạm, các Giám đốc Sở GD&ĐT.
Về phía Bộ GD&ĐT, GS.TS Phạm Vũ Luận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng; Các Thứ trưởng: TS Nguyễn Vinh Hiển; TS Nguyễn Thị Nghĩa; GS.TSKH Bùi Văn Ga; PGS.TS Phạm Mạnh Hùng; PGS.TS Trần Công Phong – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, … tham dự Hội nghị.
GS.TS Phạm Vũ Luận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng GD&ĐT phát biểu tại Hội nghị Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển báo cáo tổng kết năm học 2013 - 2014 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2014 – 2015.
Báo cáo đánh giá chung: Năm học 2013 - 2014, công tác chỉ đạo của các cấp quản lý từ Bộ đến các Sở và Phòng GD&ĐT có sự thống nhất, các cuộc vận động và phong trào thi đua của Ngành được duy trì với nề nếp và chất lượng tốt, đã trở thành hoạt động thường xuyên trong các nhà trường, chỉ đạo thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2013 - 2014. Công tác quản lý giáo dục đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp và giao quyền tự chủ, tăng cường quản lý chất lượng và hiệu quả giáo dục. Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được tăng cường. Công tác đánh giá kết quả giáo dục, nội dung, phương pháp giảng dạy tiếp tục được đổi mới. Việc đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp THPT năm 2014 theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở tuyển sinh cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học đã nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, tạo ra sự thay đổi có tính chất bước ngoặt về chất trong đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy của giáo viên và tư duy quản lý giáo dục. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được quan tâm, coi trọng thực chất; các mô hình trường học mới, phương pháp dạy học tích cực đã khẳng định được ưu thế, được áp dụng và nhân rộng ở hầu hết các địa phương; công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tiếp tục được quan tâm; các cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển; Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc được thực hiện thường xuyên và có kết quả; công bằng xã hội trong giáo dục được bảo đảm tốt hơn, đặc biệt là các chính sách cho học sinh và giáo viên vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong năm học vừa qua.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển báo cáo tổng kết năm học 2013 - 2014 và
phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2014 – 2015 Qua đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng những nhiệm vụ cụ thể để phát huy các thành tựu đã đạt được, khắc phục những tồn tại, thực hiện thắng lợi năm học 2014 - 2015 tới.
Cũng trong buổi sáng nay, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã công bố Dự thảo Phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia (thay kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ).
Mục đích của kỳ thi THPT quốc gia nhằm xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ để các cơ sở GDĐH, GD nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh; Tác động tích cực đối với việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng dạy học.
Về nguyên tắc, đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, công bằng, độ tin cậy của kết quả thi; Đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực người học; Không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên và học sinh.
Kỳ thi sẽ được tổ chức vào tuần thứ hai của tháng 6 hàng năm.
Về phương án tổ chức kỳ thi, dự thảo đã đưa ra cụ thể về các khâu: Coi thi, chấm thi; địa điểm chấm thi; Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi; Hình thức thi và thời gian làm bài thi...
Đ/c Bùi Trọng Đắc - TUV, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình phát biểu tham luận tại Hội nghị Các đại biểu đồng tình, nhất trí cao với báo cáo tổng kết năm học và các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh các đóng góp về việc triển khai Nghị quyết 29 tại các địa phương trong năm học vừa qua, những đề xuất trong việc thực hiện kiên cố hóa trường lớp học, sáp nhập các Trung tâm GDTX, trung tâm dạy nghề... nhiều đại biểu đưa ra mối quan tâm về dự thảo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao báo cáo tổng kết năm học 2013 – 2014 của Bộ GD&ĐT, khi mỗi nội dung đều thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế để từ đó có hướng khắc phục trong năm học mới.
Đưa ra nhiều phân tích, dẫn chứng thuyết phục cũng như tổng hợp các ý kiến chuyên gia, lắng nghe nhiều luồng ý kiến xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh một số nội dung – theo ông – không cần đợi có chương trình, SGK mới có thể thực hiện ngay được, như kỷ cương như kỷ cương, môi trường trong sạch trong các trường phổ thông. Các nhà trường có thể làm được điều này bằng lương tâm và trách nhiệm của mình – Phó Thủ tướng khẳng định.
Về vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục tại các địa phương và việc sáp nhập các trung tâm dạy nghề, Trung tâm GDTX, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: Cần hoạch định việc xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất và việc sáp nhập các Trung tâm trên cơ sở xã hội hóa mạnh mẽ. Cần có sự bàn tính cụ thể, có lộ trình và định hướng căn bản theo đúng tinh thần Nghị quyết 29.
Phó Thủ tướng đặc biệt quan tâm tới vấn đề đổi mới thi cử với nhận định: Đổi mới thi của là một khâu đột phá kích thích các khâu khác đi theo, trên cơ sở đổi mới căn bản và toàn diện.
Vị lãnh đạo Chính phủ nhắc nhở: “Ta không sợ tốn kém nếu thi là cần thiết. Ngay chuyện bỏ thi cũng cần tính toán, phân tích thật kỹ cái được cái mất, đưa ra quyết định sau khi thuyết phục xã hội và tính toán kỹ càng.
Tôi cho rằng điều quan trọng không phải là thi môn nào, mà là cần có quyết tâm đổi mới, để dù là kỳ thi gì cũng thực hiện một cách quyết tâm, trách nhiệm, trung thực”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao khi công bố dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia – trước khai giảng năm học mới – đúng theo chỉ đạo của Chính phủ từ năm 2013, đồng thời tạo sự ổn định trong dạy – học tại các nhà trường.
“Với các phương án này, hoàn toàn không có việc tổng điểm bao nhiêu, trượt bao nhiêu, Bộ GD&ĐT đã cung cấp cho xã hội một số đo trình độ kiến thức chung của các cháu, công khai cả nước cùng biết, trên cơ sở đó các trường lựa vào danh sách sơ tuyển, tạo nhiều cơ hội cho học sinh, nhất là học sinh nghèo. Đây là một điểm rất tốt ta cần bàn”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chúc năm học mới 2014 – 2015, toàn ngành Giáo dục quyết tâm hoàn thành tốt năm học, với những đổi mới đột phá từ thi cử.
Quang cảnh đại biểu dự Hội nghị Thay mặt các đồng chí cán bộ chủ chốt ngành Giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Toàn ngành Giáo dục xin hứa sẽ triển khai các bước trên tình thần thận trọng, khách quan và trách nhiệm.
Được biết, sau hội nghị tổng kết, những đổi mới trong thi cử sẽ được tiếp tục thảo luận tại Hội nghị cán bộ chủ chốt ĐH, thảo luận trong toàn ngành, lấy ý kiến đóng góp các chuyên gia, của toàn xã hội trên các kênh thông tấn báo chí. Tất cả các nguồn ý kiến sẽ được Bộ GD&ĐT tổng hợp, báo cáo Hội đồng Giáo dục Quốc gia.