Print (Ctrl+P)

Mùa xuân nói về giữ gìn bản sắc Văn hóa Dân tộc trong các nhà trường

Hòa Bình là cái nôi của người Việt tiền sử với nền Văn hoá Hoà Bình nổi tiếng; là nơi có điều kiện thiên nhiên ưu đãi đã tạo cho mảnh đất này những cảnh sắc hấp dẫn và kỳ vĩ. Hòa Bình mảnh đất thiêng liêng của những di tích Văn hóa lịch sử lâu đời cái nôi của nền văn hoá lớn - một vùng đất của những thung lũng, những triền núi bao quanh đã tạo nên nền tảng kinh tế, xã hội, bản sắc văn hoá dân tộc độc đáo mang những nét riêng của đất và người Hoà Bình.


           Nhưng trên hết, điều khiến cho ai đã từng đến Hòa Bình một lần đều cảm nhận được tình cảm lưu luyến và cảm động là tấm lòng hiếu khách, chân tình, cởi mở của người dân xứ Mường. Hiểu rõ những phong tục tập quán của dân tộc Mường Hòa Bình, nét đặc sắc của Văn hoá Mường Hòa Bình chính là để khắc họa những mảng mầu đa dạng trong cả một vườn hoa muôn sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
            Không ở đâu trong các tỉnh có người Mường cư trú lại có sự hình thành ra các Xứ như ở Hòa Bình. Điều này tạo ra những sắc thái văn hoá riêng, mặt khác hình thành nên những truyền thống văn hoá xã hội riêng biệt và bền vững, ổn định của người Mường trên đất Hòa Bình với các xứ Bi, Vang, Thàng, Động đã tạo ra một truyền thống văn hoá riêng, đặc sắc của cư dân các vùng này và sau này là nền văn hoá do các dân tộc sống trên đất này cùng nhau xây dựng nên: Nền văn hoá Hòa Bình nổi tiếng. Từ một nền văn hoá thời tiền sử đã được giới Khoa học trên thế giới công nhận và trở thành một Mốc lớn: Văn hóa Hòa Bình. Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn tồn tại bền vững như sự tồn tại của những chủ nhân đã sản sinh ra nó.
             Giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, kiên quyết chống lại sự đồng nhất về văn hoá là vấn đề của mọi quốc gia trên thế giới ngày nay. Bởi lẽ, phát triển xã hội là một tiến trình nội sinh, mà động lực của nó bắt nguồn sâu xa từ các nền văn hoá của mỗi dân tộc.
               Bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ là nhân tố làm nên sức mạnh văn hoá của mỗi dân tộc, tạo thành động lực phát triển kinh tế - xã hội mà còn liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của một chế độ, một dân tộc. Các thế hệ người Mường rất tự hào về truyền thống văn hoá của dân tộc mình và suốt quá trình lịch sử luôn luôn có ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.



              Sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo có vai trò rất lớn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Đó là chiếc cầu nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, góp phần tạo nên những giá trị bền vững vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại.
                Quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa ở nước ta đang và sẽ làm thay đổi khuôn mặt xã hội, tác động sâu sắc đời sống tinh thần xã hội. Vì vậy, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo càng có vai trò và trọng trách tiên phong góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong mỗi bài giảng đến từng học sinh. Đó là yêu cầu tự nhiên trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Mường nói riêng và văn hoá dân tộc Việt Nam Nói chung.
                Bản sắc văn hóa dân tộc đã được các nhà trường, được giáo viên, học sinh, sinh viên tiếp thu một cách có chọn lọc. Đó là những giá trị bền vững, những tinh hoa văn hoá của cộng đồng các dân tộc anh em được hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước; là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống ... tất cả đều đọng lại ở mỗi học sinh qua từng bài giảng, qua đường lối giáo dục của Đảng.
                 Ngoài ra, các nhà trường có vai trò và trách nhiệm rất nặng nề không chỉ giáo dục các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mà còn có trách nhiệm lớn trong việc nâng cao bản sắc văn hoá dân tộc, tiếp thụ tinh hoa văn hoá nhân loại làm giàu thêm nền văn hoá Mường và Văn hoá Việt Nam.
               Đứng trước những thử thách khó khăn trong thời buổi kinh tế thị trường, thời đại mở rộng giao lưu quốc tế với những bước tiến vượt bậc về khoa học, công nghệ thì vai trò của Giáo dục và Đào tạo càng lớn hơn bao giờ hết. Trước hết, người thầy phải vững tin góp phần làm cho thang giá trị đạo đức, những giá trị cao đẹp của truyền thống tồn tại lâu đời như lòng yêu nước, tình thương, lòng nhân ái, đoàn kết, tình nghĩa thày trò, tôn sư trọng đạo vẫn được gìn giữ và tôn trọng.
                  Trong quá trình xây dựng và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo vô cùng to lớn. Chính vì vậy, các nhà trường cần chú ý tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong việc giữ gìn phát huy, nâng cao bản sắc văn hoá dân tộc. Trước hết, thường xuyên chăm lo đời sống văn hoá trong nhà trường, chăm lo, củng cố nền tảng tinh thần cho mỗi cán bộ, giáo viên học sinh, sinh viên; xây dựng con người phát triển toàn diện gắn chặt với những kỷ cương, nền nếp, luật pháp của xã hội, có lối sống mẫu mực, xây dựng tình đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc anh em trong các đơn vị trường học; giữ vững sự bình đẳng và tính đa dạng văn hoá các dân tộc anh em trong nhà trường.



                   Kiên quyết chống lại các thói hư tật xấu, chống lại các tư tưởng lạc hậu, phong kiến, các hủ tục, tập quán lạc hậu lỗi thời, chống các biểu hiện xa hoa, lãng phí, không có ý thức xây dựng trường, lớp ... Phát huy những di sản văn hoá tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo nên những giá trị văn hoá mới làm cho những giá trị đó thấm sâu vào các nhà trường và mỗi cán bộ giáo viên, học sinh, sinh viên trở thành tâm lý tập quán tiến bộ, văn minh.
                 Xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh trong trường học. Coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh , sinh viên.
Di sản văn hoá là tài sản vô giá, gắn liền với cộng động xã hội, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, các nhà trường có trách nhiệm giáo dục học sinh coi trọng và bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống; nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại qua các tác phẩm văn chương chọn lọc trong nhà trường…
Phát huy và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát triển ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết của các dân tộc đi đôi với việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình đó là trách nhiệm nặng nề của các nhà trường. Thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước về GD&ĐT góp phần cải thiện đời sống văn hóa giáo dục, nâng cao dân trí, xoá bỏ các hủ tục nặng nề, lạc hậu xây dựng đất nước văn minh hiện đại là trách nhiệm của toàn xã hội trong đó Giáo dục và Đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng.

                  Hồng Mạc
Sở GDĐT
Văn phòng