Print (Ctrl+P)

Lịch sử ngày Nhà giáo Việt Nam

Ngày 28-9-1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 167/HĐBT lấy ngày 20/11 làm “Ngày Nhà giáo Việt Nam”.


           Tháng 7 năm 1946, một tổ chức Quốc tế các Nhà giáo tiến bộ được manh nha ở Pari, lấy tên là Liên hiệp Quốc tế các Công đoàn Giáo dục (Viết tắt: F.I.S.E). Năm 1949 tại Hội nghị Vác - xa - va (Thủ đô nước Cộng hoà Ba Lan), tổ chức này xây dựng một bản “Hiến chương các Nhà giáo” gồm 15 chương với nội dung chủ yếu: Đấu tranh chống lại mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền Giáo dục tư sản, phong kiến xây dựng nền Giáo dục tiến bộ, làm chủ và khoa học. Đấu tranh thủ tiêu chế độ bạc đãi đối với nghề dạy học bảo vệ quyền lợi về vật chất và tinh thần chính đáng của các Nhà giáo. Quy định một số điều đối với Nhà giáo, đặc biệt nêu cao nghề dạy học và những người dạy học.
          Tháng 8 năm 1954, tổ chức Công đoàn các Nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới với nòng cốt là các Nhà giáo các nước xã hội chủ nghĩa đã nhất trí thông qua bản “Hiến chương các nhà giáo” nói trên. Từ ngày 26 đến ngày 30/8/1957, tại Thủ đô Vác - xa - va (Ba Lan), Hội nghị quốc tế của Nhà giáo lần thứ 2, có 57 nước tham dự, đại diện cho mười triệu rưỡi giáo viên toàn thế giới đã Quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày kỷ niệm và tuyên truyền rộng rãi cho bản “Hiến chương các Nhà giáo” với mục đích, ý nghĩa: Biểu dương nghề dạy học và những người làm nghề dạy học. Làm cho mọi người ghi nhớ công ơn các nhà giáo đã có những cống hiến lớn trong việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Làm cho các Nhà giáo, cha mẹ học sinh và thanh, thiếu niên coi việc dạy học là một nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức cao quý. Ngày 20-11, là ngày biểu dương tinh thần hữu nghị giữa các Nhà giáo các nước trên thế giới.




           Ở Việt Nam, ngày 20-11-1958, lần đầu tiên “Ngày Hiến chương Quốc tế các Nhà giáo” được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta. Những năm sau đó còn được tổ chức ở các vùng giải phóng. Đất nước thống nhất, ngày 20-11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước và dần trở thành ngày truyền thống của đội ngũ giáo giới Việt Nam. Ngày 28-9-1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 167/HĐBT lấy ngày 20/11 làm “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Trước đây ngày 20/11 chỉ được Công đoàn Giáo dục các cấp đứng ra tổ chức chứ chưa có quyết định chính thức của Nhà nước. Từ ngày ban hành Quyết định số 167/HĐBT, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) giao cho Ủy ban nhân dân và Hội đồng Giáo dục các cấp đứng ra long trọng tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
            Tinh thần bản “Hiến chương các Nhà giáo” 20/11 đã được thể hiện tốt ở Việt Nam suốt mấy chục năm qua, thể hiện truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam. Tinh thần đó, ngày càng kết hợp chặt chẽ với truyền thống của Giáo dục Việt Nam và được phát triển với nội dung mới. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã trở thành một ngày lễ không chỉ riêng của Nhà giáo mà là của mọi người, được các tầng lớp nhân dân hết sức quan tâm, đồng tình ủng hộ và kính trọng.

              Văn Hùng
Sở GDĐT
Văn phòng