Trước việc một số phóng viên đề cập đến việc có bỏ lực
lượng thanh tra ủy quyền hay không, ông Phạm Ngọc Trúc - Phó chánh thanh tra
Bộ
GD-ĐT nhấn mạnh: “Qua thanh tra, tổng kết từ năm 2010, nhận thấy việc huy động
các trường ĐH, CĐ tham gia thanh tra ủy quyền có tác dụng rõ rang, để thanh tra
của các Sở GD-ĐT tập trung tổ chức và chỉ đạo hoạt động tự thanh tra của địa
phương mình, đó là điều cơ bản đề kỳ thi diễn ra nghiêm túc. Thêm nữa, việc có
mặt của các đoàn thành tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT đến các địa phương giúp các
địa phương làm tốt hơn công tác tổ chức, chỉ đạo kỳ thi. Chính vì thế vẫn tiếp
tục duy trì lực lượng này”.
“Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục duy trì việc huy động các
trường ĐH, CĐ tham gia thanh tra tại các địa phương với số lượng tương tự như năm
2010”- ông Trúc khẳng định.
Cũng xoay quanh đến kì thi tốt nghiệp THPT năm 2011 nhiều
phóng viên cho rằng hướng dẫn về cấu trúc đề thi tốt nghiệp không rõ ràng bởi
năm nay Bộ GD-ĐT có hướng dẫn là sẽ dành 50% điểm số cho yêu cầu thông hiểu,
vận dụng kiến thức. Như vậy thì liệu những thí sinh có học lực trung bình có
thể đỗ được kì thi tốt nghiệp hay không?
Giải thích về chủ trương này, ông Trần Văn
Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ
GD-ĐT khẳng định: “Điều này không làm thay đổi định hướng ra đề nhiều, về cơ bản,
đề thi tốt nghiệp THPT khá ổn định so với những năm trước đây”.
Ông Nghĩa cũng cho biết thêm, đề thi tốt nghiệp THPT
vẫn có cấu trúc gồm hai phần. Phần chung là phần kiến thức giao thoa giữa chương
trình chuẩn và chương trình nâng cao. Phần riêng là phần kiến thức của mỗi
chương trình. Đối với phần riêng thí sinh chỉ được phép chọn 1 phần để làm, nếu
cố ý làm cả hai phần thì phần riêng sẽ không được chấm mà chỉ chấm điểm phần
chung. Riêng đối với môn thi Ngoại ngữ thì chỉ có một phần chung duy nhất. Thời
gian làm bài cũng như số lượng câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm vẫn ổn định như
năm 2010. Ngoài ra đề thi tiếp tục ra theo hướng tránh học tủ, học vẹt và chú
trọng nâng cao việc thông hiểu, vận dụng kiến thức và câu hỏi mở cũng là một
hướng đáp ứng được yêu cầu này.
Cũng tại cuộc họp báo này, ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ
trưởng Vụ giáo dục Trung học khẳng định, yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức
trong việc ra đề thi không mới. Theo ông Chuẩn, các năm trước đều hướng dẫn học
sinh học phải dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Mà chuẩn kiến thức kỹ năng
chương trình ban hành từ năm 2006 đã có 3 thành phần là yêu cầu học sinh phải
nhận biết; phải thông hiểu và vận dụng được kiến thức. Đề thi những năm trước,
do đó, cũng ra theo hướng trên. Tuy nhiên, ông Chuẩn cho rằng, học sinh lại chủ
yếu chú ý vào việc tái hiện nên không có khả năng thông hiểu và vận dụng kiến
thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn.
Ảnh minh họa Giám thị gọi thí sinh vào phòng thi
Để giải quyết vấn đề này, ngay trong công văn hướng
dẫn nhiệm vụ năm học ban hành năm 2010 Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các đơn vị là phải
chú ý dạy cho học sinh và hướng dẫn giáo viên kỹ năng ra đề theo các cấp độ là
biết, thông hiểu, vận dụng sáng tạo với các bài kiểm tra học kỳ, kiểm tra cuối
năm, thi tốt nghiệp; dành tối thiểu 50% làm bài cho nội dung thông hiểu, vận
dụng.
Trước phản ánh của phóng viên về thực trạng một số địa
phương vẫn tiến hành tổ chức thi thử dẫn đến tâm lý căng thẳng cho học sinh và
tốn kém kinh phí, ông Trần Văn Nghĩa khẳng định: “Bộ GD-ĐT không chỉ đạo tổ
chức thi thử mà quyền chủ động do địa phương quyết định”.
Giải thích rõ về vấn đề này ông Vũ Đình Chuẩn cho
biết, việc tổ chức thi thử với những yêu cầu về đề và cách thức coi, chấm bài giống
như một kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng có thể giúp học sinh làm quen với cách phân
tích đề thi, cách làm bài thi và tâm lý thi cử, đặc biệt là các môn thi trắc
nghiệm. Tuy nhiên, việc này cần phải có sự đồng thuận. Quan điểm của Bộ GD-ĐT
là không nên tổ chức nhiều lần gây tâm lý nặng nề, tốn kém thời gian và sức lực
của giáo viên và học sinh…
Ngoài vấn đề thi tốt nghiệp, một số nội dung khác mà
báo chí đề cập như liên kết đào tạo, giải pháp để hút thí sinh đăng ký dự thi
các ngành khó tuyển, quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ… cũng được lãnh đạo
các cục, vụ chức năng của Bộ GD-ĐT trả lời trực tiếp.