Print (Ctrl+P)

Ngành GD&ĐT Hòa Bình tổ chức buổi Giao lưu "Văn hóa đọc" lần thứ nhất

Trong 2 ngày 05 và 06/01/2011, tại huyện Lạc Thủy, ngành GD&ĐT Hoà Bình đã tổ chức buổi Giao lưu Văn hóa đọc lần thứ nhất năm 2011.
         Dự và chỉ đạo buổi Giao lưu có đồng chí Bùi Ngọc Dảo - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Trưởng Ban tổ chức; đồng chí Nguyễn Mạnh Cương - Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Lạc Thủy; đồng chí Đinh Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy; đồng chí Lê Thị Chinh - Trưởng phòng Thư viện trường học và tuyên truyền Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam.


Đ/c Bùi Ngọc Dảo - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc buổi giao lưu

         Bước ngoặt của cuộc đời thì có nhiều, trong đó phải kể đến 4 bước ngoặt lớn và quan trọng đó là con người biết đọc, nghe, nói và biết tính toán. Trong đó, biết đọc là một trong những bước ngoặt có ý nghĩa vô cùng to lớn nó mở đường cho mọi người chiếm lĩnh khoa học sau này. Nhưng giữa biết đọc và làm sao có được "Văn hóa đọc" là một khoảng cách lớn. Thế nào là Văn hóa đọc? Làm sao biết một người có Văn hóa đọc hay không? Có phải đọc nhiều là có Văn hóa đọc hay không?…


Đ/c Đinh Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy phát biểu chào mừng buổi giao lưu

          “Văn hóa đọc” chính là việc đọc và hiểu sâu văn bản, tác phẩm, cuốn sách; tự mình giải thích được những vấn đề đặt ra trong cuốn sách, trong tác phẩm; biết cái hay, cái đẹp, hiểu được điều hay lẽ phải của tác phẩm, của cuốn sách; biết cách đọc văn bản, đọc bằng tình cảm và lý trí. “Văn hóa đọc” là thông qua sự suy ngẫm vấn đề nêu ra trong cuốn sách, đọc có tư duy, chắt lọc, có phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu. Đọc để nhận ra không chỉ những biện pháp nghệ thuật tác giả đã sử dụng trong cuốn sách, trong tác phẩm mà thông qua đọc, cái chính và chủ yếu là người đọc hiểu được nội dung, hàm ý của tác phẩm. Đó là một trong những tiêu chuẩn của Văn hóa đọc.


Đ/c Bùi Ngọc Dảo - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Trưởng Ban tổ chức trao Cờ Lưu niệm cho các tập thể

           Đọc cái gì và đọc ở đâu là những câu hỏi luôn được đặt ra cho giáo viên và học sinh. Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, các cuốn Sách, các tác phẩm Văn học đóng vai trò rất quan trọng. Đó là chiếc chìa khoá vặn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người. Sách là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh. Có thể nói Sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi buồn vui sâu kín của mỗi con người và đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của thầy giáo, cô giáo và mỗi học sinh trong các nhà trường.


Đ/c Bùi Ngọc Dảo - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Trưởng Ban tổ chức trao Giấy khen của Giám đốc Sở
 cho Phòng GD&ĐT huyện Lạc Thủy đã có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng phong trào Văn hóa đọc 


           Trong các nhà trường hiện nay, Văn hóa đọc vẫn tiếp tục được duy trì và nâng cao. Rất nhiều tấm gương sáng của các  thầy cô giáo và các em học sinh thông qua Văn hóa đọc. Coi đọc sách là món ăn tinh thần không thể thiếu. Kiến thức tự nhiên, xã hội thông qua đọc sách đã ngày càng được bổ sung và nâng cao, kiến thức hiểu biết về thế giới xung quanh ngày càng sâu rộng. Nhiều thầy cô giáo đã tự xây dựng cho mình những tủ sách cá nhân với hằng trăm cuốn sách, tư liệu, tác phẩm quý với đủ các loại sách hay, sách kinh điển, Từ điển, sách nghiệp vụ, sách tham khảo, truyện đọc và biết bao cuốn sách hay trong và ngoài nước để bổ sung vào kho tàng kiến thức phong phú cung cấp cho các em học sinh thông qua bài giảng. Nhiều học sinh đã có ý thức trong việc sưu tầm nhiều cuốn sách, tác phẩm văn chương đặc sắc, tích lũy dần kiến thức thông qua đọc sách. Đọc sách đã trở thành thói quen không thể thiếu của rất nhiều học sinh. Thực tế cho thấy, những học sinh giỏi là những học sinh thực hiện rất tốt Văn hóa đọc.


Gương mặt những thí sinh tiêu biểu, xuất sắc tham gia tại buổi Giao lưu

           Trong nhiều năm qua, ngành GD&ĐT đã rất quan tâm đến Văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh. Coi đây là một trong những nhiệm vụ chính nâng cao chất lượng dạy và học. Chính vì vậy, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo xây dựng các Thư viện trường học phục vụ cho việc đọc sách, nghiên cứu của GV, học sinh. Nhiều đơn vị, trường học đã tích cực trong việc xây dựng Thư viện đạt chuẩn. Thư viện tiên tiến như Thư viện trường Tiểu học Thị trấn Bo Kim Bôi, thư viện trường tiểu học Thị trấn Mai Châu, thư viện trường tiểu học Sông Đà, THCS Sông Đà, THCS Hữu Nghị, Thư viện trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ và Thư viện trường PT DTNT tỉnh. Đó là những điểm sáng trong hoạt động công tác Thư viện. Thư viện trường học chính là địa điểm để giáo viên, học sinh đọc sách, nghiên cứu trao đổi kiến thức và các vấn đề trong cuốn sách và tác phẩm nêu lên. Thư viện cũng chính là nơi thể hiện tốt nhất, đầy đủ nhất, tinh hoa nhất của Văn hóa đọc. Thư viện cũng chính là linh hồn, là địa điểm gần gũi nhất của kiến thức loài người với bạn đọc. Văn hóa đọc được khơi nguồn từ Thư viện. Cũng chính vì vậy mà cán bộ Thư viện chính là người tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp sức để Văn hóa đọc đến với giáo viên, học sinh.


Đ/c Bùi Ngọc Dảo - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Trưởng Ban tổ chức
trao Giấy khen của Giám đốc Sở cho các tập thể đoạt giải A

           Văn hóa đọc ngày nay là nhu cầu của thời đại. Mọi người phải thấy rằng đọc sách là niềm vui, là hạnh phúc vì mỗi khi đọc được một cuốn sách hay chẳng khác nào chúng ta trò chuyện với những người thành đạt. Đọc sách còn là phương tiện bồi dưỡng trí nhớ và phát triển tư duy. Đối với trẻ thơ, sách là người bạn chân thành giúp các em khám phá thế giới kỳ diệu xung quanh các em. Dân tộc ta là một dân tộc hiếu học và thường lấy tự học làm chính. Sách chính là ngôi trường giúp họ mở ra cánh cửa để nhìn ra thế giới bên ngoài toàn diện hơn.
          Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận Văn hóa đọc của một số giáo viên, học sinh chưa đạt yêu cầu. Một bộ phận GV, HS từ bỏ dần thói quen đọc sách, một số ít quên hẳn thói quen đọc sách; ít có điều kiện đọc sách tích lũy kiến thức. Một bộ phận giáo viên, học sinh rất ít đến Thư viện đọc sách nghiên cứu. Chưa tự học tự nghiên cứu có kết quả. Nhiều giáo viên trong suốt cuộc đời làm nghề dạy học không xây dựng cho mình có tủ sách cá nhân. Văn hóa đọc ở một số giáo viên, học sinh bị mai một. Vậy, làm thế nào để nâng cao Văn hóa đọc? Các nhà trường nên hướng dẫn cho trẻ em có thói quen mê đọc sách từ nhỏ. Tạo điều kiện thuận lợi để học sinh gần gũi với sách và nâng tầm hiểu biết về Văn hóa đọc. Khuyến khích giáo viên, học sinh đọc sách, đẩy mạnh chất lượng hoạt động của các Thư viện trường học.


Đ/c Bùi Ngọc Dảo - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Trưởng Ban tổ chức
trao Giấy khen của Giám đốc Sở cho các tập thể đoạt giải Xuất sắc

           Giao lưu Văn hóa đọc lần thứ nhất tuy quy mô còn nhỏ chưa thể tập hợp được toàn ngành tham gia, các cấp học tham gia... Nhưng qua giao lưu lần này là dịp để chúng ta cùng nhau chỉ ra những khiếm khuyết, những thiếu sót trong quá trình chỉ đạo xây dựng Thư viện trường học, nâng cao chất lượng Văn hóa đọc trong giáo viên, học sinh, qua đó ngày càng hoàn thiện và nâng cao hơn chất lượng Thư viện trường học, phục vụ tốt công tác dạy và học.


Các đồng chí Lãnh đạo Sở thăm các quầy sách trưng bày tại buổi giao lưu

           Tham gia tranh tài tại buổi giao lưu Văn hóa đọc lần thứ nhất có 106 thí sinh xuất sắc từ 11 phòng GD&ĐT và 9 trường PT DTNT huyện, liên xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.


Các em học sinh tại buổi giao lưu

          Kết quả phòng GD&ĐT huyện Lạc Thủy và trường PT DTNT huyện Tân Lạc đã đoạt giải xuất sắc; các phòng GD&ĐT Thành Phố Hòa Bình, Kỳ Sơn, Lương Sơn, Cao Phong, Tân Lạc, Yên Thủy và các trường PT DTNT Cao Phong, Lạc Sơn, Kim Bôi, Liên xã Mường Chiềng, Liên xã Hang Kia - Pà Cò đoạt giải A; phòng GD&ĐT các huyện Mai châu, Lạc Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc và trường PT DTNT các huyện Yên Thủy, Đà Bắc, Mai Châu đoạt giải B toàn đoàn.

           Văn Hùng
Sở GDĐT
Văn phòng