Print (Ctrl+P)

10 Sự kiện Giáo dục và Đào tạo nổi bật nhất năm 2010

Những sự kiện của ngành giáo dục luôn được xã hội quan tâm. Nhân dịp Chào đón năm mới 2011, Ngành GD&ĐT Hòa Bình giới thiệu 10 sự kiện Giáo dục và Đào tạo của ngành nổi bật nhất trong năm 2010.
           1. Năm 2010, chủ đề năm học được xác định là “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân trong tỉnh từ giáo dục mầm non đến giáo dục chuyên nghiệp. Quy mô trường lớp, học sinh tiếp tục ổn định. Năm 2010, toàn tỉnh có 220 trường Mầm non; 219 trường Tiểu học; 19 trường PTCS; 210 trường THCS; 38 trường THPT; 11 Trung tâm GDTX huyện, thành phố; 1 Trung tâm GDTX tỉnh; 1 Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp; 1 Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học; 1 trường CĐSP; 1 trường Trung học Kinh tế - Kỹ Thuật; 210 Trung tâm học tập cộng đồng. Năm 2010, toàn tỉnh có 185.965 học sinh, sinh viên;  20.312 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
           2. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học. Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 THPT năm 2010 có 40/72 học sinh đoạt giải, tăng 16 giải so với năm 2009, tỷ lệ đoạt giải là 55,5%. Trong tổng số 40 giải Quốc gia, có 4 giải Nhì, 20 giải Ba và 16 giải khuyến khích; có 8 học sinh dân tộc đoạt giải. Kết quả kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia tiếp tục khẳng định chất lượng ổn định về giáo dục mũi nhọn trong các nhà trường. Toàn tỉnh xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học cho 10.115/10.321 học sinh đạt tỷ lệ 98%;  xét công nhận tốt nghiệp THCS 13.233/13.233 học sinh đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT: 95,45%; GDTX: 95,69%.
           3. Công tác Giáo dục dân tộc tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo chỉ đạo. Hệ thống các trường DTNT tiếp tục được củng cố. Đến nay, toàn tỉnh đã có 10 trường DTNT. 100% các huyện vùng khó khăn có trường PT Dân tộc nội trú. Ngoài ra, tỉnh Hoà Bình có 297 lớp ghép thu hút 2.089 học sinh Tiểu học từ 2 đến 4 nhóm trình độ. Chất lượng giáo dục hai mặt tại các trường PT DTNT tỉnh, huyện và liên xã được nâng lên một bước. Năm 2010, trường PTDTNT tỉnh có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 100%. Toàn tỉnh có 141.355 học sinh là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 68,38%. Quy mô đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số tăng khá nhanh. Toàn tỉnh có 6.416 giáo viên là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 43% so với tổng số giáo viên toàn ngành. Đến nay, toàn tỉnh có 7 trường PT DTNT đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 70%.
           4. Đầu tư và tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, xây dựng phòng học bộ môn, nhà công vụ cho giáo viên; thu hút các nguồn lực cho xây dựng cơ sở vật chất, trường, lớp học, thiết bị giáo dục bằng những chính sách và quy hoạch tổng thể. Tập trung chỉ đạo tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường. Quan tâm, chú trọng xây dựng các phòng chức năng, nhà ở giáo viên, phòng thư viện, thí nghiệm, phòng làm việc hội đồng. Toàn tỉnh đã triển khai xây mới 710 phòng học, trong đó có 296 phòng học mầm non, 179 phòng học cấp tiểu học, 134 phòng học bộ môn cấp THCS và 101 phòng học bộ môn cấp THPT. Xây dựng 2.200 phòng học đạt tỷ lệ 81,36% tổng số phòng học và 823 phòng công vụ cho giáo viên đạt tỷ lệ 58,58% tổng số phòng công vụ. Toàn tỉnh hiện có 8.488 phòng học trong đó có 5.532 phòng kiên cố chiếm 65,17%; 1988 phòng bán kiên cố chiếm 23,42%; 968 phòng tạm, phòng khác chiếm 11,41%. Ngoài ra có 1.172 phòng ở của giáo viên; 467 phòng thư viện, 394 phòng thí nghiệm và phòng học bộ môn. Tập trung chỉ đạo xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Toàn tỉnh có 112 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ 16% (trong đó 19 trường Mầm non, 63 trường Tiểu học, 27 trường THCS, 3 trường THPT).
          5. Tiếp tục củng cố kết quả xoá mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở đảm bảo kết quả vững chắc; đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
          Năm 2010, tiếp tục duy trì, củng cố và phát huy có hiệu quả công tác chống mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Tập trung nâng cao chất lượng PCGD. Tỷ lệ người biết chữ độ tuổi 15-35 đạt 99,2%; 210/210 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDTH-CMC đạt tỷ lệ 100%; 208/210 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDTH-ĐĐT, đạt tỷ lệ 99%; 209/210 xã, phường, thị trấn đạt PCGDTHCS, đạt tỷ lệ 99,5%. Kết thúc năm 2010, toàn tỉnh có 11/11 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGDTHĐĐT và PCGDTHCS.
          6. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 34/CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác giáo dục chính trị; củng cố các tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới trong các trường học. Đến nay, toàn ngành có 5 Đảng bộ và 687 chi bộ trường học; qua phân loại tổ chức Đảng, toàn ngành đã có 100% chi, đảng bộ đạt Danh hiệu: “Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh”. Toàn ngành có 8.802 đảng viên, đạt tỷ lệ 43,3% so với tổng số cán bộ, giáo viên, công nhân viên toàn ngành trong đó có 6.141 đảng viên nữ, chiếm 69,7%; 3.686 đảng viên người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 41,8% so với tổng số đảng viên toàn ngành.
           7. Tiếp tục quan tâm, chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trình độ đào tạo và chất lượng của đội ngũ nhà giáo từng bước đã được nâng cao. Toàn tỉnh có 92%  giáo viên Mầm non đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn đạt 11,7%. Giáo dục Tiểu học có 100% đạt trình độ chuẩn trở lên, trong đó trình độ trên chuẩn đạt 44,1%; Cấp THCS có 100% đạt trình độ chuẩn trở lên, trong đó trên chuẩn đạt 25,7%; Giáo viên các trường PTDTNT huyện, liên xã: 100% đạt trình độ chuẩn trở lên, trong đó trên chuẩn đạt 35,8%; Giáo dục THPT có 100% đạt trình độ chuẩn trở lên, trong đó trình độ trên chuẩn đạt 3,34%; Giáo dục Thường xuyên có 100% đạt trình độ chuẩn,  trong đó trên chuẩn đạt 0,93%; Giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm đạt chuẩn 100%, trong đó trên chuẩn đạt 40,5%; giáo viên Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật 100% đạt chuẩn  trở lên trong đó trên chuẩn đạt 34,1%.
           8. Toàn ngành tiếp tục tiển khai thực hiện có kết quả 3 cuộc vận đông: Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo dức Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; cuộc vận động thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg của thủ tướng Chính phủ về “Nói không với tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục” và phong trào thi đua: “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
           9. Sở GD&ĐT tham mưu với HĐND tỉnh ra Nghị quyết số 148/NQ/2010- HĐND ngày 21/7/1010 về chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non diện hợp đồng. Nghị quyết Quy định cụ thể chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non diện hợp đồng được HĐND tỉnh quyết định. Đối với giáo viên mầm non đạt chuẩn và vượt chuẩn theo quy định: giáo viên có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp được chuyển xếp và hưởng theo hệ số lương và phụ cấp chức vụ, phụ cấp khu vực, ngạch, bậc theo thang bảng lương và được nâng lương định kỳ theo quy định. Được ngân sách Nhà nước chi hỗ trợ để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn. Được hưởng chế độ quyền lợi học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và các danh hiệu tôn vinh như giáo viên trong biên chế.
           10. Năm 2010, ngành GD&ĐT đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua: “Đơn vị xuất sắc” và  khen thưởng 6 lĩnh vực công tác bao gồm: Giáo dục Mầm non; Giáo dục Trung học; Giáo dục Dân tộc; Công tác thanh tra; ứng dụng Công nghệ Thông tin; Công tác kế hoạch, thống kê, đổi mới quản lý tài chính và Huy động các nguồn lực phát triển giáo dục./.
 
            Nguyễn Hồng Mạc
        Sở Giáo dục và Đào tạo
Sở GDĐT
Văn phòng