Print (Ctrl+P)

Cách nhìn người Thầy giáo Xưa và nay

Nhân kỷ niệm 28 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2010, Chúng ta mong sao truyền thống: “Tôn sư trọng đạo” của cha ông ta được tô đẹp thêm.


         “Nhất tự vi sư bán tự vi sư” là cách nhìn quý giá của người dân Việt Nam đối với người thầy giáo. “Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa, Người Thầy giáo nhân dân đã được nhìn nhận với một tấm lòng trọng vọng mến yêu:
                                                                  “Muốn sang thì bắc cầu Kiều
                                                              Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
         Câu hát ấy, ngàn đời còn ngân nga trong mỗi chúng ta - Người thầy ngày xưa luôn sống trong thanh bạch, trong niềm tự hào và suốt đời tu dưỡng cho thanh danh mình. Vì họ luôn nhận được sự tôn trọng, yêu mến của học trò, của cha mẹ học sinh, của nhân dân và cả sự kính nể của giai cấp thống trị thời bấy giờ. Là người học trò phải “Tiên học lễ - Hậu học văn”, học đạo lý làm người trước rồi mới học văn hoá. Trong những dịp vui truyền thống, người học trò cũng phải nhớ đến thầy trong sự tôn kính:
                                                              “Mồng một tết cha - mồng ba tết thầy”
         Khi trong làng có việc trọng đại, các công chức cũng thể hiện sự tôn trọng người thầy và những người có học bằng sự hội bàn, cầu xin ý kiến của họ. Người thầy giáo luôn luôn được sống trong vinh dự, tự hào về nghề nghiệp, trong cách nhìn quý giá của người dân Việt Nam.
          Ngày ngay, Đảng và Nhà nước ta cũng đánh giá “Nghề dạy học là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Trong thực tế, vẫn còn một số đông người coi nhẹ nghề dạy học. Số người chọn nghề Sư phạm để lập nghiệp còn ít. Có thể lý giải nguyên nhân này bằng nhiều quan điểm khác nhau nhưng đa số tập trung vào lý do kinh tế. Họ cho rằng: Vì đồng lương của người giáo viên ngày nay thấp kém hơn so với các nghề khác. Và họ nghĩ: Uy tín chính trị của người thầy trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức.
Mặc dù vậy chúng ta vô cùng cảm kích trước những tấm lòng cao đẹp yêu nghề, mến trẻ của biết bao thế hệ thầy cô giáo Việt Nam đã chiến đấu hết mình vì sự nghiệp “Trồng ngươì”. Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống, người thầy giáo vẫn luôn tâm niệm lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt - học tốt”.
          Chúng ta đã và đang thực hiện lời dạy bảo của Bác:  “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
          Nhân kỷ niệm 28 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2010,  Chúng ta mong sao truyền thống: “Tôn sư trọng đạo” của cha ông ta được tô đẹp thêm. Người giáo viên nhân dân được mãi mãi sống trong tấm lòng tôn kính của học trò, của mọi người dân Việt Nam. Nghề dạy học sẽ được Đảng và Nhà nước và nhân dân chăm sóc toàn diện hơn về mọi mặt. Nghề dạy học ngày càng có thêm nhiều tấm gương cao đẹp, yêu nghề. Chúng ta tự hào và vinh dự được nhân dân coi nghề dạy học là một nghề cao quý.

            Hồng Mạc
Sở GDĐT
Văn phòng