Ngay từ đầu cách mạng,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, Người kêu gọi
“Toàn dân tham gia diệt giặc dốt” và vạch rõ phương thức làm “Dễ trăm lần không
dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, “không sợ thiếu chỉ sợ không
công bằng”. Như vậy, bản chất xã hội của nền giáo dục đã được xác định từ lâu.
Tuy nhiên, trong nhiều năm, với chế độ tập trung bao cấp, chúng ta đã rơi vào
thế đơn độc; ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn về đầu tư cho giáo dục, giảm sút
động lực của người học, động lực của người dạy, thu nhập giáo viên thấp, cơ sở
vật chất trường học xuống cấp, lạc hậu, chất lượng giáo dục không đáp ứng yêu cầu
kinh tế - xã hội. Từ các điểm sáng về huy động lực lượng xã hội làm giáo dục của
xã Đồng Tâm (Lạc Thủy); Đa Phúc (Yên Thuỷ); Phường Phương Lâm (TPHB), đến nay,
toàn tỉnh đã dành được những kết quả đáng khích lệ trên 99,8% trẻ em trong độ
tuổi được đến trường. Hòa Bình đã đạt chuẩn PCGDTH - CMC năm 1995; năm 2003, đạt
chuẩn PCGDTHCS; năm 2005 đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi, hiện nay đang từng bước
thực hiện PCGD bậc Trung học ở những nơi có điều kiện. Hòa Bình đã chặn đứng tình
trạng học sinh thất học, bỏ học của học sinh; toàn tỉnh đã có trên 100 trường mầm
non, Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia. Cơ sở vật chất trường học đã thay đổi hẳn so
với trước đây, bộ mặt các nhà trường khang trang, sạch đẹp hơn.
Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ: Xã hội hoá giáo
dục có vị trí quan trọng, ngày nay Xã hội hóa giáo dục trở thành một trong những
quan điểm để hoạch định hệ thống các chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước. Các
vấn đề chính sách xã hội đều giải quyết theo tinh thần xã hội hoá. Nhà nước giữ
vai trò nòng cốt, đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ
chức xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết những vấn
đề xã hội. Đây là một tư tưởng chiến lược, một quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với
sự nghiệp phát triển đất nước, giai đoạn đẩy mạnh nền kinh tế hàng hoá theo cơ
chế thị trường có sự định hướng xã hội chủ nghĩa. Bản chất của xã hội hoá công
tác giáo dục cũng đã được xác định trong nghị quyết 04/NQ HNTW ngày 4/1/1993 của
Ban chấp hành TW ĐCSVN “Huy động toàn xã hội làm giáo dục, động viên các tầng lớp
nhân dân góp sức xây dựng nền giáo dục quốc dân dưới sự quản lý của Nhà nước”.
Xã hội hoá là một tư tưởng chiến lược, coi sức mạnh tổng hợp
của toàn dân, của xã hội tham gia vào công tác giáo dục là điều kiện tiên quyết
để phát triển toàn diện và có hiệu quả sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ nói riêng
và nền giáo dục quốc dân nói chung, là tư tưởng chiến lược vì nó mang giá trị
chỉ đạo quá trình phát triển giáo dục một cách lâu dài. Nội dung của xã hội hoá
giáo dục bao gồm nhiều mặt. Nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí của giáo dục
“là quốc sách hàng đầu”. Giáo dục đóng vai trò “trồng người” là cơ sở của sự
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên phạm vi vĩ mô, phải coi Giáo dục
và Đào tạo là công việc hàng đầu mà mỗi cấp uỷ Đảng, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban
nhân dân và các cấp, các đoàn thể phải bàn và phải đầu tư tâm sức và nguồn lực
lượng tâm sức và nguồn lực tương xứng, quốc sách hàng đầu phải được bàn định đầu
tiên trong chương trình công tác ở mọi cấp; phải dành sự đầu tư hàng đầu cho
Giáo dục và Đào tạo, sự đầu tư này thể hiện ở cả nguồn Ngân sách Nhà nước và cả
nguồn lực vật chất khác; phải có chính sách ưu tiên hàng đầu cho Giáo dục và Đào
tạo như chính sách đãi ngộ cho giáo viên, chính sách chăm lo cơ sở vật chất trường
học, đất cho trường học ...
Cần liên kết các lực lượng xã hội, phát huy vai trò của các
tổ chức xã hội để tạo ra những tác động tích cực của mọi người trong việc giáo
dục thế hệ trẻ bao gồm môi trường gia đình, môi trường xã hội và môi trường trường
học. Gia đình là tế bào xã hội, đảm bảo bền vững của cơ cấu xã hội Gia đình là
môi trường nuôi dưỡng con người từ tấm bé đến lúc trưởng thành, là một trong những
môi trường chính yếu hình thành và phát triển nhân cách con người. Làm cho mỗi
gia đình hiểu về con cái về mặt giáo dục. Do đó tạo điều kiện cho con đến trường,
chăm lo sự học hành ở nhà của con cái và đóng góp trong điều kiện có thể xây dựng
giáo dục địa phương. Xã hội hoá giáo dục trước hết phải khơi dậy truyền thống của
dân tộc, của làng bản và của mỗi dòng họ, bộ tộc trong học tập của con cái. Phải
làm cho mỗi người thấy trách nhiệm và quyền lợi đó.
Nhà trường là môi trường văn hoá giáo dục của địa phương, nơi
trực tiếp tiến hành công tác giáo dục và phối hợp với các môi trường gia đình
và xã hội để làm công tác giáo dục, các lực lượng xã hội chăm lo xây dựng môi
trường nhà trường từ cảnh quan nhà trường, cơ sở hạ tầng, nền nếp kỷ cương,
không khí học tập, niềm vui của trẻ đến trường, quan hệ lành mạnh, trong sáng,
tình cảm “tất cả vì học sinh thân yêu: kính thầy, yêu bạn, tiên học lễ hậu học
văn... Ngược lại nhà trường cũng phải là nơi tiếp nhận sự tham gia, giám sát, đánh
giá của gia đình và xã hội về chất lượng giáo dục, về môi trường sư phạm một
cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Môi trường xã hội giáo dục được thể hiện bằng sự phối hợp của
liên ngành chức năng trong xã hội, tuỳ từng hoạt động giáo dục đào tạo mà các
ngành sẽ có phần việc tham gia. Ngành GD&ĐT thường xuyên nhận được sự phối
hợp chặt chẽ từ Hội liên hiệp phụ nữ, Tỉnh Đoàn thanh niên, Hội nông dân, các cơ
quan, doanh nghiệp trên địa bàn. Sự phối hợp liên ngành không đơn thuần là sự hỗ
trợ nhất thời mà phải xác định trong một chương trình dài hạn, được xây dựng
trên cơ sở chiến lược con người nói chung và mục tiêu của ngành giáo dục đào tạo
nói riêng trên một địa bàn dân cư nhất định. Sự huy động các lực lượng xã hội
trên đây sẽ tạo ra được môi trường xã hội cần thiết cho công tác giáo dục nói
chung và công tác giáo dục ngoài nhà trường nói riêng. Làm được như vậy là do cộng
đồng thực hiện và vì lợi ích cộng đồng. Xã hội hoá công tác giáo dục là sự huy động
các nguồn đầu tư trong xã hội và sự nghiệp giáo dục. Cần huy động được nhiều
nguồn vốn cho giáo dục bằng sự vận động các lực lượng xã hội, các tổ chức cùng
mỗi người dân đóng góp xây dựng nhà trường, thực hiện “Nhà nước và nhân dân
cùng làm”. Các nguồn huy động này được dùng để bổ sung cho xây dựng cơ sở vật
chất trường học, hỗ trợ điều kiện học tập của học sinh nghèo, diện chính sách
và một phần cho đời sống giáo viên. Xã hội hoá công tác giáo dục là cuộc vận động
lớn trong xã hội có sự lãnh đạo chặt chẽ của tổ chức Đảng, sự quản lý của Nhà nước
và vai trò nòng cốt của ngành giáo dục.
Như vậy tiến hành xã hội hoá công tác giáo dục, cần thực hiện
có hiệu quả một số nội dung sau: Giáo dục xã hội: Tạo lập phong trào học tập
sâu rộng trong toàn xã hội, vận động toàn dân, trước hết là những người trong độ
tuổi lao dộng, thực hiện học tập suốt đời để làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn
và có cuộc sống tốt đẹp hơn, làm cho xã hội ta trở thành một xã hội học tập. Cộng
đồng hóa trách nhiệm: Tạo lập môi trường giáo dục lành mạnh, vận động toàn dân
chăm sóc thế hệ trẻ, phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục trong nhà trường với giáo
dục ở gia đình và giáo dục ngoài xã hội; tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ, HĐND,
UBND, các tổ chức, đoàn thể đối với sự nghiệp giáo dục. Đa dạng hóa loại hình:
Bên cạnh việc củng cố loại hình công lập, lấy đó làm nòng cốt, giữ vai trò chủ đạo,
tích cực, mở ra nhiều hình thức giáo dục, phát triển các loại hình ngoài công lập.
Tạo điều kiện cho mọi người nâng cao trình độ, tiếp cận được những vấn đề mới,
áp dụng được tiến bộ KHKT vào đời sống hàng ngày. Đa phương hoá nguồn lực: Khai
thác triệt để và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục
cùng với việc tăng thêm và sử dụng có hiệu quả Ngân sách Nhà nước, cần tranh thủ
sự hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế, thực hiện hợp tác giáo dục với nước ngoài để
tăng Ngân sách cho ngành, huy động thêm sự đóng góp của cha mẹ học sinh và các
tổ chức sản xuất kinh doanh, các “Mạnh thường quân”, các nhà hảo tâm trong và
ngoài nước cho Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên cần có tỷ lệ cân đối hợp lý, có mục
đích rõ ràng để có thể huy động các nguồn này một cách hữu hiệu. Thể chế hoá sự
quản lý của Nhà nước về trách nhiệm, quyền lợi, của các lực lượng xã hội, của
nhân dân trong việc tham gia xây dựng sự nghiệp GD&ĐT. Thực hiện tốt xã hội
hóa xã hội sẽ góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục
và Đào tạo.