Print (Ctrl+P)

Hát Quốc ca phải trở thành niềm tự hào kiêu hãnh của mỗi học sinh, sinh viên

Bài hát Quốc ca là hồn của mỗi đất nước, mỗi dân tộc, là niềm tự hào của mỗi công dân của một quốc gia có chủ quyền. Tại các cuộc thi đấu thể thao Quốc tế, nhiều cầu thủ đội tuyển Quốc gia ấp tay lên trái tim, nghiêm trang mắt hướng lên lá cờ Tổ quốc đang bay phần phật trước gió, miệng hát Quốc ca theo tiếng nhạc trỗi lên, trông họ thật đáng tự hào khiến lòng ta cũng xúc động theo.

Học sinh chào cờ sáng thứ 2 hàng tuần

         Gần đây, Việt Nam cũng đã hội nhập vào nhiều hoạt động chính trị, văn hóa, giáo dục, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh cũng đã từng nhiều dịp  tung bay dưới con mắt khâm phục của bạn bè khắp năm châu.
         Tuy nhiên, Trong các tiết chào cờ hiện nay, hát Quốc ca chưa đạt chất lượng cao. Một số học sinh, sinh viên chưa có ý thức và thói quen hát quốc ca khi bản nhạc “Tiến quân ca” hùng tráng được vang lên. Có lẽ ngoài thói quen chưa tạo được, còn có một lý do là nhiều người không thuộc lời bài hát hoặc hát không đúng nhạc bài Quốc ca Việt Nam, đấy là chưa nói đến có một số người chưa nghiêm túc trong khi hát Quốc ca.
         Đi thực tế một số trường học trong tỉnh, kể cả các trường ở khu vực Thành phố, thị trấn, nghe các em hát Quốc ca mà thấy “nổi da gà”. Thường là hát mà chỉ nhanh hơn đọc, hát giật cục, hát quá nhanh, quá chậm, đứt  khúc, không đều, chưa nói đến việc thể hiện tình cảm khi hát và hát chưa thật hay...
         Đi sâu tìm hiểu, nguyên nhân cơ bản nhất là nhiều thày giáo, cô giáo và Tổng phụ trách đội TNTPHCM dạy hát Quốc ca cho học sinh trong các cấp học là những giáo viên kiêm nhiệm, họ không phải là giáo viên dạy bộ môn Hát - Nhạc được đào tạo chính quy. Chính vì vậy mà một số ít giáo viên chưa nắm được nhạc lý cơ bản; một số từ ngữ của lời ca còn sai, âm điệu, nhịp điệu chưa đúng. Các cấp quản lý một số nhà trường chưa ý thức sâu sắc và triệt để vị trí quan trọng của vấn đề này. Vì vậy, cũng không uốn nắn ngay. Đầu năm học 2010 - 2011, tham dự một số trường chuẩn bị cho Khai giảng năm học mới, nhà trường phải tập đi tập lại nhiều lần để hát Quốc ca.


Học sinh nghe triển khai kế hoạch học tập tại tiết chào cờ sáng thứ 2 hàng tuần

Đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên Hát nhạc trong ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh hiện nay còn thiếu. Để khắc phục tình trạng trên, nên chăng các phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, Thành phố nên cử giáo viên dạy hát nhạc có khă năng, năng lực dạy hát Quốc ca ở từng lớp, từng chi đội, liên đội. Dạy hát Quốc ca không chỉ đối với học sinh, sinh viên  mà  cho cả một số thày giáo, cô giáo nữa…
          Một dịp đi kiểm tra phong trào hoạt động ngoại khóa tại một trường trọng điểm, một đồng chí lãnh đạo ngành GD&ĐT có ý kiến rất hay: Tổ chức liên hoan văn nghệ trong đó có hát bài Quốc ca đối với học sinh, sinh viên. Một việc tưởng rất nhỏ nhưng thật nên làm và đáng làm. Nếu không tổ chức được một cuộc liên hoan hát Quốc ca có quy mô lớn, thì trước mắt các cuộc thi Văn nghệ tiếng hát tuổi thơ, tiếng hát học sinh, sinh viên các cấp học có nội dung hát bài Quốc ca.
         Tập cho các em thói quen, hát Quốc ca khi lá cờ Tổ quốc được từ từ kéo lên trước mắt hàng nghìn học sinh của nhà trường trong các buổi Lễ, nhất là trong tiết Chào cờ sáng thứ hai hàng tuần đó chính là dạy cho các em thêm yêu Tổ quốc; bồi dưỡng cho các em niềm kiêu hãnh, tự tin, tự hào về Đảng Quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; tự hào về truyền thống của Dân tộc Việt Nam, đất nước, con người Việt Nam và tự hào về nhân cách con người Việt Nam. Đó là việc làm thiết thực, hiệu quả, nhất là hiện nay toàn ngành đang triển khai thực hiện ba cuộc vận động và đặc biệt là phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
      
           Hồng Mạc - Hồng Anh - Hồng Nam
Sở GDĐT
Văn phòng