Đ/c Bùi Ngọc Dảo - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu chỉ đạo hội nghị
Dân ca là một thể loại ca hát dân gian, chủ
yếu xuất phát từ cuộc sống, lao động, rất có thể bắt đầu từ một cá nhân có năng
khiếu đưa vào một bài ca dao (thơ dân
gian), rồi được truyền miệng và nhào luyện, uốn nắn, gọt giũa qua nhiều người
trong cộng đồng từ nơi này đến nơi khác, từ thời này qua thời khác, có thể sinh
ra nhiều dị bản khác nhau, thường khó xác định được gốc xuất phát bắt đầu từ
đâu. Vượt qua mọi thử thách của thời gian, Dân ca là loại nhạc dân gian, nhạc của đại chúng dựa trên ngôn ngữ
Việt Nam
được coi là loại nhạc còn giữ được tính dân tộc Việt trọn vẹn nhất. Dân ca là một kho tàng vô giá về văn
chương và nhất là về âm nhạc cho bất cứ người Việt Nam nào yêu thích và mong muốn phát
triển tài năng. Dân ca có vị trí quan trọng đối với các nhà trường hiện nay, khi mà phong trào xây dựng trường
học thân thiện, học sinh tích cực đã và đang triển khai sâu rộng trong các nhà
trường. Chỉ có xuất phát từ Dân ca, chúng ta mới hy vọng xây dựng một nền văn
hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhà giáo Hà Tri hướng dẫn các bài hát Dân ca trong trường học
Thực
hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2010
- 2011, thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh
tích cực”, Sở GD&ĐT tiếp tục đưa các bài hát dân ca vào nhà trường mục đích
giúp các nhà trường, các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh nâng cao vốn hiểu
biết về hát dân ca, duy trì các bài hát dân ca Việt Nam đang có nguy cơ mai
một, tạo nên một sức sống mới về giữ gìn Văn hóa truyền thống trong các nhà
trường. Bởi chính các em học sinh khi hát các bài dân ca của dân tộc mình là
những người có trách nhiệm và giữ gìn, phát huy nền văn hóa dân tộc Việt Nam - Một di sản quí báu mà cha ông ta truyền lại. Đặc
biệt đưa các bài hát dân ca vào nhà trường nhằm giúp các em học sinh hiểu những
giá trị độc đáo trong văn hóa cổ truyền dân tộc. Dư âm của những giai điệu quê
hương, những câu ca dao trong những làn điệu dân ca mượt mà chính là mạch nguồn của sự sống, nuôi dưỡng và
nâng cao tâm hồn tuổi học trò.
Tiết mục Văn nghệ chào mừng hội nghị
Từ lâu người
ta đã coi trò chơi dân gian là những giá trị thể hiện nền văn hoá lâu đời của
mỗi dân tộc. Việt Nam
chúng ta không phải ai cũng thấy được điều đó, thậm chí không ít người vẫn bị
ám ảnh bởi quan niệm xưa cũ, lạc hậu. Hiện nay, đến thời điểm này các trò chơi
dân gian của VN vẫn có sức sống mãnh liệt trường tồn, sức cuốn hút của trò chơi
dân gian đã lôi kéo mọi người tham gia.
Cùng
với việc đưa các bài Dân ca vào trường học, các trò chơi dân gian cũng được Bộ
GD&ĐT chủ trương đưa vào nhà trường trong 3 năm qua. Trò chơi dân gian có
vị trí rất quan trọng trong đời sống vui chơi của tuổi thơ. Trong thời buổi tràn ngập game online, những
trò chơi dân gian như nhảy dây, ô ăn quan, đá cầu, cướp cờ, trồng nụ trồng
hoa…dường như đã bị quên lãng. Kể từ khi
phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”
được triển khai sâu rộng trong các nhà
trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thì các trò chơi dân gian bắt đầu sống lại và
được sử dụng thường xuyên sau mỗi giờ học căng thẳng và đặc biệt được sử dụng
trong phần Hội của các buổi Lễ.
Trong 3 năm qua, Sở GD&ĐT đã tích cực chỉ đạo
các nhà trường đưa các trò dân gian vào các trường học. Ngoài những nội dung
được các trường đang triển khai để nâng cao chất lượng dạy, học, tạo môi trường
sư phạm xanh, sạch, đẹp, một nội dung được coi là điểm nhấn của phong trào
trong năm học này là đưa trò chơi dân gian, hát dân ca và các loại hình sinh
hoạt văn hoá dân gian vào trường học, xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá trong
trường học. Hướng đến mục
tiêu “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, việc đưa trò chơi dân
gian vào trường học mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Nó không chỉ góp phần rèn
luyện sức khoẻ, kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, thói
quen và kỹ năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm mà còn giúp học sinh rèn khả năng
ứng xử văn hoá, không sa vào những trò chơi bạo lực vô bổ đang tràn lan và các
tệ nạn xã hội. Đặc điểm chung của trò chơi dân gian được triển khai trong
trường học là đơn giản, dễ chơi, dễ hoà nhập. Nhiều trường học trong tỉnh đã
cho học sinh làm quen với trò chơi dân gian. Trường thì tổ chức trong các giờ
ra chơi, giờ thể dục, giờ ngoại khoá, có trường học sinh chỉ được làm quen vào
các dịp liên hoan, tổ chức các ngày kỷ niệm, khai giảng năm học mới... Nhưng
một điều đáng mừng là phần lớn học sinh đều hào hứng với các trò chơi dân gian,
đặc biệt là các cháu MN, học sinh tiểu học,THCS. Trong các buổi tổ chức trò
chơi dân gian thực sự đã lôi cuốn các em bởi những tiếng hò reo, tiếng cười nói
khi các em học sinh tham gia các trò chơi dân gian quen thuộc gần với suy nghĩ
và truyền thống của dân tộc. Trò chơi dân gian thực sự góp phần giáo dục học
sinh về truyền thống văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt nam.
Các
trường học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo như xây dựng góc
“Trò chơi dân gian” cho học sinh. Với các trò chơi dân gian truyền thống, học
sinh được chơi trong lớp, ngoài sân, trong giờ sinh hoạt tập thể, giờ ra chơi
đều có thể tiếp thu các trò chơi dân gian. Trong các giờ học, giáo viên cũng
lồng ghép vào các tiết dạy để học sinh tự tin, mạnh dạn, hứng thú học tập.
Những giờ vui chơi như vậy cũng góp phần giúp học sinh được giao lưu ấm tình
đoàn kết bạn bè. Từ đó, chính học sinh vì yêu thích trò chơi dân gian mà tự tìm
thêm những trò chơi khác, làm phong phú thêm trò chơi dân gian của nhà trường.
Với đặc điểm, trò chơi dân gian thường rất đơn giản, không tốn kém, chơi lại
nhẹ nhàng, không đòi hỏi nhiều kinh phí mua sắm dụng cụ, học sinh rất thích thú
khi vui chơi. Nhưng không phải cứ đưa vào trường là các em chơi được ngay. Nhà
trường phải chọn cách thức đưa trò chơi vào cho phù hợp; phân công, phân nhiệm,
nghiên cứ kỹ về ý nghĩa trò chơi. Qua trò chơi để học tập, rèn luyện ý thức tập
thể, đoàn kết và quyết tâm...
Tập huấn các trò chơi Dân gian
Tuy
nhiên, thực tế cho thấy, còn một số trường còn lúng túng trong việc đưa trò
chơi nào vào nhà trường, chơi ở đâu, làm sao cho an toàn với học sinh... Không
chỉ học sinh mà bản thân nhiều giáo viên cũng còn bỡ ngỡ trước các trò chơi dân
gian, nhiều giáo viên không kể được một vài tên trò chơi dân gian khi được hỏi.
Chưa nói đến cách thức hướng dẫn học sinh.
Cuộc
sống hiện đại, người ta có thể tìm hiểu đời sống văn hoá, trang phục... truyền
thống trên báo, viện bảo tàng... Nhưng, trò chơi dân gian thì rất hiếm. Phần
đông trẻ em và thanh thiếu niên bây giờ chỉ biết một số trò chơi dân gian qua
tranh ảnh hoặc do người lớn kể lại. Và còn rất nhiều trò chơi dân gian khác đã
bị rơi vào quên lãng bởi thời buổi công nghệ điện tử, internet hiện đại lan
tràn khắp nông thôn, thành thị. Trong khi trò chơi dân gian được đánh giá chứa
đựng một nền văn hoá truyền thống và góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng nên
nhân cách, tâm hồn thế hệ trẻ, thì việc đưa trò chơi dân gian vào trường học là
điều đáng quý và trân trọng. Nhưng vấn đề đặt ra là các trường học cần phải
nghiên cứu, tìm tòi biện pháp nhằm khơi gợi sự hứng thú cho học sinh. Nhiệm vụ
của các nhà giáo dục, của các thầy cô không chỉ sưu tầm, mà quan trọng hơn là
phải biết cách tổ chức sao cho các em thật sự hứng thú và tích cực hưởng ứng và
đạt kết quả cao. Hội nghị tập huấn hôm nay sẽ một phần nào góp phần vào việc
đưa các bài hát dân ca và trò chơi dân gian vào nhà trường, góp phần thực hiện
tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” năm
học 2010 - 2011.
Ngoài
các bài hát dân ca và trò chơi dân gian do Sở tập huấn năm học 2009 - 2010 và
năm học 2010 - 2011, yêu cầu các đơn vị, trường học tự tìm hiểu, nghiên cứu và
đưa vào thêm các trò chơi khác phù hợp, nhất là các trò chơi dân gian của nhân
dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình để bổ sung ngày càng phong phú vào kho tàng các
bài hát dân ca và trò chơi dân gian Việt nam những bài hát hay, những trò chơi
có ý nghĩa, góp phần nâng cao kiến thức toàn diện cho các em học sinh.
Ngô
Thị Oanh - Vinh Quang