“Thư viện thân thiện” là linh hồn của trường học
- nơi hội tụ kiến thức, tri thức của
loài người giúp cho thầy và trò các nhà trường không chỉ dạy tốt, học tốt mà
còn mở mang trí óc, bồi đắp nhân cách, xây dựng nền tảng văn hóa cá nhân. Xây
dựng “Thư viện thân thiện” là yêu cầu quan trọng cần thiết trong việc nâng cao
chất lượng giáo dục hiện nay. “Thư viện thân thiện” giúp học sinh rèn luyện kỹ
năng tự học, tự nghiên cứu góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh. Phát động
phong trào xây dựng “Thư viện thân thiện” nhằm mục đích xây dựng Thư viện đạt
chuẩn quy định; thu hút ngày càng nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên,
học viên đến Thư viện nghiên cứu, đọc sách, đọc tài liệu góp phần bổ sung và
nâng cao kiến thức, sự hiểu biết về các lĩnh vực.
Để xây dựng Thư viện thân thiện đạt kết quả tốt, các
đơn vị, trường học tiếp tục triển khai xây thư viện đạt chuẩn theo Quyết định
số 01/2003/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Các hoạt động của “Thư
viên thân thiện” phải phát huy tính chủ động, sáng tạo của giáo viên và học
sinh trong giảng dạy và học tập. “Thư
viện thân thiện” phải có sức lôi cuốn và thu hút các em học sinh. Cơ sở vật
chất, trang thiết bị và các điều kiện khác của Thư viện thân thiện phải phục
vụ mục đích đọc sách, không gian học tập đa chức năng với các góc học tập khác
nhau đem lại sự thân thiện cho giáo viên, học sinh khi đến Thư viên nghiên cứu,
đọc sách, học tập.
Các đơn vị, trường học triển khai thực hiện xây dựng
“Thư viện thân thiện” đảm bảo các tiêu chuẩn về sách, báo, tạp chí, bản đồ,
tranh ảnh giáo dục, băng đĩa, sách giáo khoa phục vụ cho công tác nghiên cứu,
giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Đảm bảo đủ sách giáo khoa:
Trước ngày khai giảng năm học mới nhà trường phải có "tủ sách giáo khoa
dùng chung" để đảm bảo cho mỗi học sinh có 01 bộ sách giáo khoa (bằng các
hình thức mua, thuê hoặc mượn). Đảm bảo 1000 học sinh thuộc điện chính sách xã
hội, học sinh nghèo có thể thuê, mượn sách giáo khoa. Sách nghiệp vụ của giáo
viên: có đầy đủ các văn bản, Nghị quyết của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật
của Nhà nước, các tài liệu hướng dẫn của ngành phù hợp với cấp học, bậc học và
nghiệp vụ quản lý giáo dục phổ thông. Sách nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại
ngữ, tin học, các tài liệu bồi dưỡng thường xuyên theo từng chu kỳ. Mỗi đầu
sách nghiệp vụ của giáo viên phải đủ cho mỗi giáo viên có 1 bản và 3 bản lưu
tại Thư viện. Riêng đối với Thư viện trường trung học cơ sở, trung học phổ
thông, được tính theo bộ môn mà giáo viên trực tiếp giảng dạy. Đầy đủ sách tham
khảo; các sách công cụ, tra cứu: từ điển, tác phẩm kinh điển (mỗi đầu sách có
từ 3 bản trở lên). Sách tham khảo của các môn học (mỗi đầu sách có tối thiểu
từ 5 bản trở lên). Sách mở rộng kiến thức, nâng cao trình độ của các môn học:
phù hợp với các chương trình của từng cấp học, bậc học (mỗi đầu sách có từ 3
bản trở lên). Sách phục vụ các nhu cầu về mở rộng, nâng cao kiến thức chung,
tài liệu về các cuộc thi theo chủ đề, chuyên đề, các đề thi học sinh giỏi (mỗi đầu
sách có từ 5 bản trở lên). Các trường phổ thông căn cứ vào danh mục sách dùng
cho Thư viện các trường phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn hàng năm
để có kế hoạch bổ sung sách tham khảo cho Thư viện trường học. Thư viện bổ sung
các sách tham khảo trên theo khả năng kinh phí của từng đơn vị và theo hướng
dẫn lựa chọn các đầu sách của các Vụ quản lý cấp học, bậc học của Bộ. Hạn chế
bổ sung các loại sách, báo, tạp chí mang tính giải trí, chưa phục vụ sát với
chương trình giảng dạy, học tập trong nhà trường. Số lượng các sách tham khảo
trong Thư viện phải đạt số bình quân sau: Đối với cấp tiểu học Trường ở
thành phố tối thiểu 1 học sinh có 2 cuốn sách; Các trường ở miền núi, vùng sâu,
vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, tối
thiểu 2 học sinh có 1 cuốn sách. Số sách tham khảo phải có đầy đủ các đầu
sách theo danh mục sách dùng cho thư viện các trường phổ thông do Bộ Giáo dục
và Đào tạo hướng dẫn hàng năm. Đối với cấp trung học cơ sở Trường ở thành
phố tối thiểu 1 học sinh có 3 cuốn sách; Các trường ở miền núi, vùng sâu, vùng
xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, tối thiểu
1 học sinh có 1 cuốn sách. Số sách tham khảo phải có đầy đủ các đầu sách theo
danh mục sách dùng cho Thư viện các trường phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo
hướng dẫn hàng năm. Trường trung học phổ
thông: Trường ở thành phố tối thiểu 1 học sinh có 4 cuốn sách. Các trường ở
miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc
biệt khó khăn, tối thiểu 1 học sinh có 2 cuốn sách. Số sách tham khảo phải có
đầy đủ tên sách theo danh mục sách dùng cho Thư viện các trường phổ thông do Bộ
Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn hàng năm. Có đầy đủ báo, tạp chí, bản đồ và tranh
ảnh giáo dục. Báo, tạp chí: báo Nhân dân, báo Giáo dục và Thời đại, tạp chí
Giáo dục, tạp chí Thế giới mới và các loại báo, tạp chí, tập san của ngành phù
hợp với ngành học, cấp học. Ngoài ra còn có các loại báo, tạp chí khác phù hợp
với lứa tuổi và bậc học của nhà trường. Bản đồ và tranh ảnh giáo dục, bảng giá
giáo khoa: Đảm bảo đủ các loại bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng, đĩa, sách
giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản và phát hành từ sau năm 1998. Mỗi
tên bản đồ, tranh ảnh được tính tối thiểu theo lớp, cứ 2 lớp cùng khối có 1
bản.
Phải có đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác thư
viên. Phòng Thư viện: Thư viện trường phổ thông phải được đặt ở trung tâm hoặc
nơi thuận tiện trong nhà trường để phục vụ việc đọc và mượn sách, báo của giáo
viên, học sinh, cán bộ quản lý giáo dục. Mỗi Thư viện cần đảm bảo diện tích tối
thiểu là 50 m2 để làm phòng đọc và kho sách (có thể 1 hoặc một số phòng), có đủ
điều kiện cho Thư viện hoạt động. Trang thiết bị chuyên dùng: Có giá, tủ chuyên dùng trong Thư viện để sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo
dục, băng đĩa giáo khoa; Có đủ bàn ghế, ánh sáng cho phòng đọc và cho cán bộ
làm công tác thư viện làm việc. Có tủ hoặc hộp mục lục, sổ mục lục, bảng để
giới thiệu sách với bạn đọc. Những trường có điều kiện về kinh phí, từng bước
trang bị máy vi tính các phương tiện nghe nhìn, máy hút bụi, máy hút ẩm, quạt
điện, máy điều hòa không khí, máy photocopy... tạo thuận lợi cho công việc quản
lý tài sản, vốn sách báo, tài liệu và điều kiện phục vụ bạn đọc. Thư viện của
các trường đạt chuẩn quốc gia, các trường xây dựng mới có quy mô đạt chuẩn quốc
gia, các trường thuộc địa bàn thành phố, phải có phòng đọc cho giáo viên tối
thiểu 20 chỗ ngồi, phòng đọc cho học sinh tối thiểu 25 chỗ ngồi, nơi làm việc
của cán bộ làm công tác thư viện và nơi để sách. Khuyến khích các trường nối
mạng Internet để khai thác dữ liệu.
Cán bộ làm công tác Thư viên phải đảm bảo tiêu chuẩn
về nghiệp vụ Thư viện. Nghiệp vụ: Tất cả
các loại ấn phẩm trong Thư viện phải được đăng ký, mô tả, phân loại, tổ chức
mục lục, sắp xếp theo đúng nghiệp vụ Thư viện. Hướng dẫn sử dụng Thư viện: Có
nội quy Thư viện, bản hướng dẫn giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý giáo dục sử
dụng tài liệu trong Thư viện. Hàng năm cán bộ làm công tác Thư viện phải tổ
chức biên soạn từ 1 đến 2 Thư mục phục vụ giảng dạy và học tập trong nhà
trường:
Tổ chức và hoạt động của Thư viện có hiệu quả tốt. Đối
với công tác tổ chức, quản lý: Hiệu trưởng nhà trường phân công một lãnh đạo nhà
trường trực tiếp phụ trách công tác Thư viện, bố trí tổ công tác hoặc cán bộ
làm công tác Thư viện. Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo thực hiện và báo cáo lên
cơ quan quản lý giáo dục cấp trên về khả năng huy động các nguồn kinh phí trong
và ngoài nhà trường để bổ sung sách cho Thư viện. Đối với cán bộ làm công tác Thư
viện: Mỗi trường đều phải bố trí cán bộ, giáo viên làm công tác Thư viện. Nếu
là giáo viên kiêm nhiệm làm công tác Thư viện thì phải được bồi dưỡng chuyên
môn nghiệp vụ về Thư viện trường học, được hưởng lương và các tiêu chuẩn khác
như giáo viên đứng lớp. Cán bộ Thư viện trường học không phải là giáo viên,
nhưng được đào tạo nghiệp vụ Thư viện thì được hưởng lương và các chế độ phụ
cấp như ngành văn hóa - thông tin quy định. Từng học kỳ và cuối năm học, cán bộ
hoặc giáo viên làm công tác Thư viện phải báo cáo cho Hiệu trưởng về tổ chức và
hoạt động của Thư viện và chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về toàn bộ công
tác Thư viện trường học. Phối hợp trong công tác Thư viện: Thư viện phải có
mạng lưới cộng tác viên trong giáo viên, học sinh và hội cha mẹ học sinh để
giúp tổ công tác (hoặc cán bộ) Thư viện hoạt động khai thác, phát triển phong
trào đọc sách, báo, tài liệu của nhà trường. Kế hoạch, kinh phí hoạt động: Hàng
năm, Thư viện phải lập chương trình hoạt động, kế hoạch đầu tư, củng cố và phát
triển, thực hiện kế hoạch đặt mua sách trong và ngoài nước (nếu có) với các cơ
quan, đơn vị cung ứng ấn phẩm trong ngành hoặc ngoài ngành theo đúng thời gian
quy định và được lãnh đạo nhà trường xét duyệt. Hàng năm, Thư viện phải đảm bảo
chỉ tiêu phần trăm (%) theo tỷ lệ giáo viên và học sinh thường xuyên sử dụng
sách, báo của Thư viện (100% giáo viên và 70% học sinh trở lên). Phấn đấu năm
sau đạt tỷ lệ cao hơn năm trước. Huy động các nguồn quỹ ngoài ngân sách cấp để
bổ sung sách, báo và xây dựng Thư viện. Quản lý sử dụng ngân sách, quỹ Thư viện
theo đúng nguyên tắc quy định. Hoạt động của Thư viện: Thư viện nhà trường phải
có nội dung hoạt động phù hợp với giáo dục toàn diện, với công việc của giáo
viên và tâm lý của lứa tuổi học sinh. Thư viện cần phục vụ tốt các hoạt động
ngoại khóa của nhà trường và tổ chức những hình thức hoạt động phù hợp với điều
kiện của từng trường như: giới thiệu sách, điểm sách, thông báo sách mới nhập,
triển lãm trưng bày sách mới, tranh ảnh..., phối hợp với các bộ phận liên quan
để tổ chức thi kể chuyện theo sách, thi nghiệp vụ Thư viện, vận động học sinh
làm theo sách dưới sự chỉ đạo của Hiệu trưởng nhà trường và các cấp quản lý
giáo dục. Cho mượn sách giáo khoa theo đúng chế độ chính sách hiện hành của Nhà
nước, của ngành, của địa phương và phù hợp với khả năng và nhu cầu của học
sinh. Phối hợp với các đơn vị khác ngoài trường để nâng cao trình độ chuyên môn
nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động Thư viện dưới sự chỉ đạo của Hiệu trưởng
nhà trường.
Về quản lý Thư viện, phải thực hiện bảo quản: Sách,
báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa trong Thư viện
phải được quản lý chặt chẽ, đóng thành tập, bọc và tu sửa thường xuyên để đảm
bảo mỹ thuật và sử dụng thuận tiện, lâu dài. Thư viện nhà trường phải có đủ các
loại hồ sơ, sổ sách để theo dõi mọi hoạt động của Thư viện như: các loại sổ
đăng ký, sổ mượn sách của giáo viên, học sinh, sổ cho thuê sách... Kiểm kê,
thanh lý: Hàng năm, nhà trường phải kiểm kê tài sản của Thư viện, làm thủ tục
thanh lý các ấn phẩm rách nát, nội dung thay đổi hoặc đã hết hạn sử dụng theo
đúng nghiệp vụ Thư viện: Những Thư viện có trên 10.000 cuốn sách thì kiểm kê
sách 2 năm 1 lần, trừ trường hợp đột xuất do Hiệu trưởng quyết định.