Print (Ctrl+P)

Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với Sở GD&ĐT về tình hình giáo dục của địa phương

Chiều ngày 11/5/2017, Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Trần Đăng Ninh - Phó Bí thư TT Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo nghe báo cáo về tình hình giáo dục của địa phương để chuẩn bị các nội dung tham dự kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XIV.
Cùng làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh có Nhà giáo Bùi Trọng Đắc – TUV, Giám đốc Sở GD&ĐT, các đồng chí lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Hòa Bình, lãnh đạo các phòng chức năng, chuyên môn, nghiệp vụ Sở GD&ĐT; Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lương Sơn và thành phố Hòa Bình; Hiệu trưởng các trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, THPT chuyên Hoàng Văn Thu, PTDTNT THPT tỉnh.

                                     Đ/c Trần Đăng Ninh - Phó Bí thư TT Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, 
                                        Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Hiện nay, toàn ngành có 667 đơn vị, trường học với 206.128 học sinh, học viên, sinh viên; 21.337 cán bộ, giáo viên nhân viên. Năm học 2015-2016, toàn ngành đã hoàn thành 19/19 lĩnh vực công tác, là một trong 18 tỉnh trên toàn quốc được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua, là năm học thứ 8, ngành GD&ĐT Hoà Bình liên tục được nhận Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phát huy kết quả đạt được, năm học 2016-2017, công tác chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục có sự thống nhất, các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành được duy trì với nề nếp và chất lượng tốt, đã trở thành hoạt động thường xuyên trong các nhà trường, chỉ đạo thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm của năm học. Công tác quản lý giáo dục đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp và giao quyền tự chủ, tăng cường quản lý chất lượng và hiệu quả giáo dục. Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, chú trọng, chất lượng đội ngũ từng bước được nâng cao; chất lượng giáo dục vùng khó khăn, công bằng xã hội trong giáo dục được đảm bảm tốt hơn.
                      Nhà giáo Bùi Trọng Đắc – TUV, Giám đốc Sở GD&ĐT báo cáo khái quát về tình hình
           Giáo dục và Đào tạo cả nước và những định hướng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT trong giai đoạn hiện nay

Cụ thể, ngành học mầm non huy động 65.530 trẻ trong độ tuổi đến trường (tăng 2.296 trẻ so với năm học trước), đạt tỷ lệ 71,1%; 100% các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ. Giáo dục tiểu học, toàn tỉnh có 70.887 HS tiểu học/3.153 lớp, trong đó 202 lớp ghép, chất lượng hai mặ giáo dục tiếp tục được củng cố vững chắc. Giáo dục Trung học được thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo chương trình, kế hoạch giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của giáo dục. Năm 2016, tổ chức thành công kỳ thi THPT Quốc gia, tỉnh Hoà Bình đạt tỷ lệ 97,13%. 100% các đơn vị duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học-xoá mù chữ, phổ cập giáo dục THCS, 4 mục tiêu xây dựng xã hội học tập đều đạt và vượt kế hoạch; 31 xã được công nhận đạt chuẩn NTM lĩnh vực GD&ĐT. Giáo dục dân tộc được quan tâm, hệ thống các trường DTNT mở rộng về quy mô, nâng cấp cơ sở vật chất. Tính đến tháng 4 năm 2017, ngành GD&ĐT đã sáp nhập 10 Trung tâm GDTX với Trung tâm nghề và bàn giao về UBND huyện quản lý; sáp nhập Trung tâm GDTX thành phố với Trung tâm GDTX tỉnh; thành lập 10 trường PTDTNT THCS&THPT trên cơ sở nâng cấp các trường PTDTNT THCS; sáp nhập 80 trường (trong đó có 2 trường mầm non, 78 trường Tiểu học và THSC). Toàn ngành có 8.649 phòng học, trong đó phòng kiên cố chiếm 83,7%, bán kiên cố chiếm 15,1%.
                  Nhà giáo Đinh Thị Hường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT báo cáo tình hình 
                            Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn hiện nay

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GD&ĐT còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế: việc huy động trẻ em đến trường chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của các bậc cha mẹ do thiếu phòng học và giáo viên; giáo viên mầm non chưa được hưởng chế độ làm thêm giờ; thiếu nhân viên nuôi dưỡng, bảo vệ, kế toán đặc biệt là nhân viên y tế; việc sáp nhập ở một số trường có điểm trường không gần nhau nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn; thiếu cơ sở vật chất tại các trường Phổ thông dân tộc bán trú và các trường Phổ thông có học sinh bán trú mới thành lập ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số…
Kiến nghị với đoàn công tác, lãnh đạo Sở GD&ĐT đề nghị được quan tâm, hỗ trợ cải tạo, nâng cấp kiên cố hoá trường lớp; kinh phí cho đề án trường chuyên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW; xây dựng cơ sở vật chất trường học đạt tiêu chí nông thôn mới; ban hành văn bản hướng dẫn và sửa đổi, bổ sung một số văn bản của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ cho phù hợp với tình hình thực tế…
                                                                    Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Đăng Ninh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và đánh giá cao kết quả đã đạt được của toàn ngành Giáo dục và Đào tạo. Hoạt động của ngành có nhiều sáng tạo, đổi mới, hướng đến đối tượng là các em học sinh; quy mô trường lớp được mở rộng; chế độ chính sách được quan tâm thực hiện tốt. Với những kiến nghị, đề xuất của ngành, đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và tập hợp để chuyển tải tới Quốc hội trong kỳ họp tới.

Văn Hùng
Sở GDĐT
Văn phòng