Nhân dịp năm học mới 2010 - 2011, đồng chí Nguyễn Minh Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình đã dành cho Ban Biên tập Website ngành GD&ĐT Hòa Bình cuộc phỏng vấn. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
*BBT: Thưa
đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, năm học 2009-2010 đã kết thúc
thắng lợi, đồng chí có thể đánh giá khái quát những thành tựu nổi bật nhất mà
toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu đạt được.
*
Đồng chí Nguyễn Minh Thành - Giám đốc sở GD&ĐT: Năm học 2009-2010, năm
học với chủ đề “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” đã
khép lại với những kết quả tốt đẹp. Các cuộc vận động và phong trào thi đua của
ngành đã từng bước đi vào chiều sâu, có hiệu quả rõ rệt. Thông qua ba cuộc vận
động và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”
của ngành giáo dục, sự tăng cường đầu tư, quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND,
UBND tỉnh và chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và
quan tâm của gia đình, sự nỗ lực của các em học sinh, về tổng thể chất lượng
giáo dục đã được nâng lên một bước, tạo tiền đề cho việc phát triển nhanh hơn
trong các năm sau.
Triển khai thực hiện phong trào thi
đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đạt kết quả tốt, được
các nhà trường hưởng ứng mạnh mẽ, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển giáo
dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hình thành đạo đức và nhân cách
cho học sinh.
Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số
33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thông qua cuộc vận động “Hai không” của
ngành đã làm chuyển biến sâu sắc nhận thức, hành động của xã hội, của các cấp
quản lý giáo dục, các nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh. Việc giảng dạy
và học tập thực chất đã dần đi vào nền nếp, học sinh chăm học hơn. Việc giúp đỡ
học sinh học lực yếu kém đã được các cơ quan quản lý chỉ đạo chặt chẽ, các
trường triển khai quyết liệt và thu được kết quả tương đối tốt, góp phần nâng
cao kết quả các kỳ thi.
Công tác đổi mới chương trình giáo dục
phổ thông được chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện nghiêm túc và đã đạt được
kết quả nhất định. Chất lượng giáo dục đại trà được chú trọng, chỉ đạo có chiều
sâu, đánh giá đúng chất lượng học tập của học sinh, sinh viên.
Tiếp tục duy trì và nâng cao chất
lượng Phổ cập giáo dục tiểu học chống mù chữ, Phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ
tuổi và Phổ cập giáo dục THCS, là cơ sở quan trọng thực hiện mục tiêu phổ cập
Giáo dục bậc trung học. Chú trọng củng cố và phát triển các Trung tâm học tập
cộng đồng, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Thực hiện tốt
việc xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 được
tổ chức đảm bảo an toàn, nghiêm túc và khách quan, đánh dấu bước chuyển biến
mạnh mẽ trên lộ trình đổi mới kiểm tra, đánh giá, đổi mới thi cử nhằm tạo động
lực thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng, đảm
bảo thực hiện mục tiêu giáo dục.
Công tác xây dựng cơ sở vật chất,
trang thiết bị dạy học được quan tâm, đặc biệt là chương trình kiên cố hoá
trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.
*
BBT: Đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành GD&ĐT thực hiện
trong năm học 2010 - 2011 để từng bước đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất
lượng giáo dục.
*
Đồng chí Nguyễn Minh Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT: Năm học 2010 - 2011 là năm học có ý nghĩa rất quan
trọng với nhiều sự kiện trọng đại, năm học với chủ đề “Năm học tiếp tục đổi mới
quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục". Xác định việc đổi mới quản lý là
điều kiện tiên quyết trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Muốn
đổi mới quản lý thành công, trước hết các cấp quản lý giáo dục phải đổi mới
nhận thức về nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, thường xuyên là quản lý chất lượng giáo
dục. Triển khai việc đổi mới phải được tiến hành kiên quyết và đồng bộ từ việc
tăng cường năng lực đội ngũ quản lý, tổ chức bộ máy và các điều kiện cần thiết
về tài chính, nguồn lực và thông tin để đổi mới hiệu quả. Đẩy mạnh các cuộc vận
động và phong trào thi đua trong ngành với những giải pháp sáng tạo, linh hoạt
phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh là giải pháp tích cực, chủ động để nâng cao
chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện.
Tập trung chỉ đạo một số nội dung sau:
Thực hiện tốt hơn quyền chủ động của cơ sở trong phân
cấp quản lý giáo dục và phối hợp quản lý hệ thống giáo dục quốc dân. Hướng dẫn
thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ
máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo.
Tổ chức tổng kết Chiến lược phát triển giáo dục giai
đoạn 2001-2010. Hoàn thiện và triển khai Chiến lược phát triển giáo dục tỉnh
Hòa Bình giai đoạn 2011- 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt với những lộ trình,
bước đi và các giải pháp, biện pháp cụ thể, phù hợp vào quy hoạch chung của
tỉnh. Chỉ đạo xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý
giáo dục các cấp.
Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, tạo sự chuyển biến mạnh
mẽ về công tác thông tin cho toàn xã hội về phát triển sự nghiệp GD&ĐT
trong điều kiện mới; lắng nghe ý kiến xã hội, thông qua trang thông tin điện tử
của ngành GD&ĐT.
Coi trọng, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong Giáo dục và
Đào tạo, công tác thanh tra, công tác pháp chế.
Tiếp tục thực hiện cải cách hành
chính trong toàn ngành, đổi mới công tác
Thi đua, khen thưởng.
Tổ chức đánh giá kết quả 10 năm công tác xây dựng
trường đạt chuẩn Quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Triển khai thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non
cho trẻ 5 tuổi theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 27/2/2010 của Thủ tướng Chính
phủ; Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008 - 2020
(Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ) trong giáo
dục phổ thông (trước hết từ tiểu học) giáo dục nghề nghiệp, đại học, cao đẳng; Triển
khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 -
2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 959/QĐ-TTg ngày 24/6/2010 của Thủ tướng
Chính phủ).
Tiếp tục triển khai dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ
năng phù hợp với từng đối tượng học sinh. Tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp
giảng dạy, kiểm tra đánh giá; Triển khai
thực hiện các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ học sinh yếu kém, khắc phục tình trạng
học sinh bỏ học. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày ở
những nơi có điều kiện, nhất là ở cấp tiểu học.
Tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số
112/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Xây dựng xã hội học tập giai
đoạn 2005 - 2010; xây dựng Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020”
và Đề án Xoá mù chữ giai đoạn 2011-2020.
* BBT: Trong
thời gian qua, ngành GD&ĐT toàn tỉnh đã có những bước chuẩn bị như thế nào
để năm học mới đạt kết quả cao nhất? Đồng chí có thể nói rõ về điều này (Bồi
dưỡng đội ngũ giáo viên, công tác tuyển sinh, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật
chất...)
* Đồng chí Nguyễn Minh Thành - Giám
đốc Sở GD&ĐT:Chuẩn
bị cho năm học mới và “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” năm học 2010 - 2011,
từ nhiều tháng nay, toàn tỉnh Hoà Bình
đã và đang tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho khai giảng năm học.
Tham mưu với
UBND tỉnh Hoà Bình ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2010 - 2011
đối với giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục thường xuyên
và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2010 - 2011; Quyết định số 871/QĐ-UBND
ngày 10/6/2010 về kế hoạch thời gian năm học 2010 - 2011 của giáo dục mầm non,
giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Chỉ đạo
các trường Tiểu học, THCS, PTCS, THPT tiến hành học tập từ ngày 16/8/2010.
Tổ chức công
tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên hè 2010. Tổ chức 9 lớp tập huấn, bồi
dưỡng cho 542 cán bộ quản lý, giáo viên: bồi dưỡng công tác quản lý và thực
hiện chương trình giáo dục mầm non cho 87 người; bồi dưỡng thực hiện chương
trình giáo dục mầm non mới cho 5 lớp với 290 người; bồi dưỡng chuyên môn cho giáo
viên dạy lớp 5 tuổi cho 2 lớp với 110 người; bồi dưỡng một số chuyên đề cho 01
lớp với 55 người. Tổ chức triển khai nhiệm vụ năm học 2010 - 2011 cho 5 lớp với
250 cán bộ quản lý; tổ chức 5 lớp tập huấn cho 250 Phó Hiệu trưởng về việc dạy
học tích hợp các nội dung vào các môn học; tập huấn 5 lớp với 250 giáo viên về
dạy học giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật; tập huấn 5 lớp với 250 giáo viên là tổ
khối trưởng 4+5 về quản lý tổ khối. Tập huấn tin học 3 lớp với 90 giáo viên về
sử dụng phần mềm dạy học và soạn giảng trên máy tính; Tập huấn 3 lớp với 120
giáo viên dạy Tiếng Anh các trường tiểu học. Mời giảng viên Bộ GD&ĐT tập
huấn cho 64 cán bộ cốt cán THCS ở tất cả các bộ môn; tập huấn chuẩn nghề nghiệp
cho Hiệu trưởng các trường THPT và lãnh đạo các Phòng GD&ĐT cho 3 lớp với
91 người tham dự. Tập huấn triển khai chuẩn Hiệu trưởng cho đối tượng là Hiệu
trưởng, Chủ tịch Công đoàn các trường THCS với 6 lớp – 240 học viên.
Thực hiện
điều tra và huy động tối đa trẻ 5 tuổi đến trường; huy động với tỷ
lệ cao nhất trẻ 6 tuổi vào lớp 1; Hoàn thành công tác tuyển sinh vào lớp 6, lớp
10 theo đúng kế hoạch của Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh.
UBND các
huyện, thành phố chỉ đạo công tác tiếp nhận và điều động đội ngũ giáo viên về
các trường Mầm non, Tiểu học, THCS đảm bảo về cơ bản đội ngũ giáo viên trước
khi bước vào năm học mới. Đối với các đơn vị trực thuộc, đang tiến hành nhận hồ
sơ xét tuyển giáo viên THPT, bổ nhiệm 7 cán bộ quản lý, luân chuyển và bổ
nhiệm 2 cán bộ quản lý, điều động và luân chuyển 39 giáo viên; chuẩn bị
hợp đồng giáo viên cho các trường THPT, TTGDTX và CĐSP.
Chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy
học, sách giáo khoa và các tài liệu khác. Toàn tỉnh hiện có 8.488 phòng học
trong đó có 5.532 phòng kiên cố chiếm 65.17%; 1988 phòng bán kiên cố chiếm
23.42%; 968 phòng tạm, phòng khác chiếm 11.41%. Ngoài ra có 1.172 phòng ở của
giáo viên; 467 phòng thư viện, 394 phòng thí nghiệm và phòng học bộ môn. Triển
khai thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai
đoạn 2008 - 2012 với mục tiêu xóa phòng học tạm, phòng bán kiên cố xuống cấp
với tổng số kế hoạch xây dựng 2.704 phòng, trong đó 1.125 phòng cho giáo dục
mầm non, 982 phòng cấp tiểu học, 527 phòng cấp THCS, 70 phòng cấp THPT.
Mua sắm thiết
bị tin học cho 7 trường tiểu học và 6 trường THCS với tổng kinh phí 3.000 triệu
đồng, triển khai phần mềm thi trắc nghiệm và quản lý nhà trường với kinh phí
300 triệu đồng. Mua sắm thiết bị Mầm non cho 8 trường phấn đấu đạt chuẩn quốc
gia và thực hiện thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới với tổng kinh phí
2.000 triệu đồng. Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu cho cấp THCS và 6
trường THPT mới thành lập với tổng kinh phí 2.300 triệu đồng, trong đó cấp THCS
là 2.000 triệu đồng, cấp THPT 300 triệu đồng.
Về sách giáo
khoa, tài liệu giảng dạy: Tổng số các loại sách đã phát hành phục vụ cho năm
học mới là 3.693.361 bản, trong đó sách giáo khoa: 1.759.820 bản bao gồm sách
giáo khoa cấp tiểu học là 828.600 bản, sách giáo khoa THCS là 549.450 bản và sách
giáo khoa THPT là 381.770 bản. Sách bổ trợ: 1.603.210 bản, trong đó cấp
Tiểu học là 1.015.000 bản; cấp THCS là 348.580 bản; cấp THPT là 239.630 bản.
Sách giáo viên : 8.663 bản; Sách tham khảo: 122.798 bản; giấy, vở học sinh:
38.622 bản; băng, đĩa: 1.014 chiếc; văn phòng phẩm, đồ dùng giảng dạy của giáo
viên, đồ dùng học tập của học sinh là 159.234 sản phẩm.
Ngành
GD&ĐT đã phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền,
cổ động về Khai giảng và “Ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường” năm học 2010 -
2011 trong toàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục tại các địa phương.
Đặc biệt chú trọng, quan tâm đến những học sinh nghèo, những gia đình có
hoàn cảnh khó khăn, con thương binh, liệt sỹ, học sinh mồ côi cha mẹ, học sinh
dân tộc ít người, trẻ em khuyết tật... Ngày 5/9/2010 tiến hành khai giảng đồng
loạt ngành học Mầm non, Phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Năm học 2010 - 2011, toàn tỉnh có 218 trường mầm non;
219 trường tiểu học; 19 trường PTCS; 209 trường THCS; 38 trường THPT; 11 Trung
tâm GDTX huyện, thành phố; 1 Trung tâm GDTX tỉnh; 1 Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp
- Hướng nghiệp; 1 Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học; 1 trường CĐSP; 1 trường Trung
học Kinh tế - Kỹ Thuật; 210 Trung tâm học tập cộng đồng. Để chuẩn bị cho
năm học mới, ngành GD&ĐT phối hợp với các huyện, thành phố tập trung chỉ
đạo huy động tối đa trẻ ra lớp. Năm học 2010 - 2011, toàn tỉnh có 185.965
học sinh, sinh viên (giảm 6.777 học sinh so với năm học 2009-2010). Giáo
dục Mầm non sẽ huy động 49.974 cháu đạt tỷ lệ 72.5% trong đó trẻ 5 tuổi ra lớp
12283/12296 đạt tỷ lệ 99,9%. Giáo dục tiểu học sẽ huy động 57.376 học sinh các
khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5. Dự kiến số trẻ 6 tuổi huy động vào lớp 1 là
11.878/11.940 học sinh đạt tỷ lệ 99,4%.
Ngành
GD&ĐT đã mời các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các
Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể của tỉnh đến dự động viên, cổ vũ, khích lệ, cùng chung
vui với các nhà trường. Với sự chuẩn bị chu đáo, Lễ Khai giảng và “Ngày toàn
dân đưa trẻ đến trường” năm học 2010 - 2011 thực sự sẽ là ngày Hội lớn của toàn
ngành GD&ĐT và của toàn xã hội.
Thực hiện: Hồng
Mạc - Văn Hùng